Dư luận lên án Israel tấn công tàu chở hàng

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay cho biết bà cảm thấy bị sốc khi đoàn tàu viện trợ lại được "chào đón bằng bạo lực."
Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã kịch liệt lên án vụ Hải quân Israel tấn công tàu chở hàng viện trợ tới Dải Gaza.

Theo thông tin mới nhất, ít nhất 19 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương trong vụ tấn công trên.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay cho biết bà cảm thấy bị sốc khi đoàn tàu viện trợ lại được "chào đón bằng bạo lực."

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, đã lên tiếng yêu cầu nhà chức trách Israel tiến hành "điều tra toàn diện" việc Hải quân nước này tấn công đoàn tàu chở hàng viện trợ tới Dải Gaza, khiến hàng chục người thương vong.

Liên đoàn Arập ngày 31/5 đã kêu gọi mở cuộc họp khẩn cấp vào ngày 1/6 để bàn về hành động của Quân đội Israel.

Chủ tịch Liên đoàn Arập Amr Mussa, tổ chức có trụ sở tại Cairo, Ai Cập, lên án vụ việc trên của quân đội Israel, coi đây là một "tội ác" chống lại sứ mệnh nhân đạo.

Ông Mussa cho biết tổ chức này đang kêu gọi thế giới Arập đưa ra phản ứng tiếp theo.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triệu Đại sứ Israel Gabby Levy tới để phản ứng về vụ tấn công tàu viện trợ. Bộ trên cũng đã ra tuyên bố bằng văn bản lên án mạnh mẽ những hành động của Israel mà Ankara cho là "phi nhân tính."

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tel Aviv "đã vi phạm luật pháp quốc tế" và vụ việc trên có thể dẫn tới những hậu quả không thể cứu vãn đối với quan hệ hai nước.

Tây Ban Nha - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Thụy Điển và Hy Lạp đều đã triệu đại sứ Israel đến để yêu cầu giải thích.

Trong khi Madrid coi hành động của Hải quân Israel là "không thể chấp nhận được," Hy Lạp đã yêu cầu "báo cáo khẩn cấp" về số phận của khoảng 30 công dân Hy Lạp có mặt trên đoàn tàu tới Gaza.

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner khẳng định "không điều gì có thể biện minh" cho hành động của Israel và cho biết ông bị "sốc" vì thảm kịch mà quân đội Israel gây ra.

Ngoại trưởng Ireland Michael Martin lên án vụ tấn công, cho rằng hành động này "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và cho biết nước này đang cố gắng xác minh số phận của 8 công dân Ireland và một công dân Thổ Nhĩ Kỳ gốc Ireland trong chuyến hải trình trên.

Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) cùng ngày cũng đã lên án hành động của Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mô tả vụ tấn công là "một cuộc thảm sát" và tuyên bố để tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat ngày 31/5 tuyên bố PNA đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau vụ việc này.

Ông Erakat cho biết, Tổng thống Abbas đã lệnh cho đại diện của Palestine tại Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về hành động của Israel. PNA cũng yêu cầu chính quyền Mỹ can thiệp khẩn cấp nhằm chấm dứt những hành động trên.

Phong trào Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của người đứng đầu phong trào này Ismail Haneya.

Phát biểu trước báo giới, ông Haneya cho rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế, chủ yếu là Liên hợp quốc nhanh chóng hành động nhằm bảo vệ các tàu này và chấm dứt sự phong tỏa Dải Gaza.

Ông Haneya cũng kêu gọi Chính quyền Palestine ngay lập tức ngừng các cuộc đàm phán với Israel.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng hành động của Hải quân Israel là "phi nhân tính". Syria yêu cầu Liên đoàn Arập triệu tập cuộc họp bàn về sự việc trên.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon ngày 31/5 cho biết cuộc tấn công là sự kiện "đã được dự liệu" và khẳng định quân đội nước này "tìm thấy vũ khí trên tàu dùng để chống lại quân đội Israel" và cáo buộc hành động của đoàn tàu viện trợ "đã phá vỡ lệnh phong tỏa Gaza" của nước này.

Cùng ngày, cảnh sát Israel thông báo các lực lượng an ninh nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm đối phó với mọi "tình huống hỗn loạn có thể xảy ra" trong cộng đồng người Arập đang sinh sống tại Israel sau khi xảy ra vụ việc nói trên.

Cùng với phản ứng của các tổ chức và nhiều chính phủ trên thế giới, hàng nghìn người dân tại nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan...cũng xuống đường biểu tình trong ngày 31/5 để phản đối hành động của quân đội Israel.

Chiếc tàu bị tấn công nói trên nằm trong đoàn 6 tàu chở 600 nhà hoạt động ủng hộ Palestine cùng 10.000 tấn hàng viện trợ tới Dải Gaza, vùng lãnh thổ bị Israel phong tỏa kể từ khi Phong trào Hamas giành quyền kiểm soát tại đây năm 2007. Đây là lần thứ 9 các nhà hoạt động ủng hộ Palestine thực hiện chuyến đi tới Dải Gaza kể từ tháng 8/2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục