Sau khi Mỹ thông báo hoãn áp thuế nhôm và thép với các đối tác thương mại chính của nước này, ngày 23/3, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Anh đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác thương mại quốc tế.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi quyết định về tăng thuế là "tin tốt."
Theo ông, việc Mỹ tăng mức thuế đối với thép và nhôm sẽ khiến nền công nghiệp Pháp chịu thiệt hại, trong khi châu Âu đã công khai ý định trả đũa thậm chí tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier bày tỏ hài lòng khi nước này tránh được tình thế có thể dẫn tới bất ổn đối với ngành công nghiệp thép và nhôm cũng như người lao động Đức.
Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh Đức "không muốn có thêm những biện pháp đơn phương mà muốn những thỏa thuận hợp lý."
Ông cũng cho biết mục tiêu của Đức là khi kết thúc các cuộc đàm phán, cấu trúc thương mại thế giới phải ổn định hơn, nhiều sự hợp tác hơn.
[Mỹ miễn trừ áp thuế mới về nhôm, thép với EU và 6 nước khác]
Phát biểu tại Brussels, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ thảo luận với các lãnh đạo EU để tìm cách bảo đảm sự miễn trừ vĩnh viễn thuế thép của Mỹ đối với EU.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici cũng nhận định quyết định mới của Tổng thống Trump đã đánh dấu một sự tiến triển đồng thời kêu gọi các bên tiếp tục đàm phán về vấn đề này.
Ngày 22/3, Nhà Trắng thông báo quyết định của Tổng thống Donald Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu thép và nhôm mới đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ, gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc, đến ngày 1/5.
Theo thông báo, Washington đang trao đổi với các nước này để tìm kiếm "các giải pháp thay thế mà các bên đều hài lòng để giải quyết quan ngại về việc nhập khẩu thép đe dọa an ninh quốc gia."
Trong khi đó, Na Uy và Nga, hai nước không nằm trong danh sách được hoãn áp mức thuế mới, đã phản ứng mạnh với quyết định của Tổng thống Trump.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide nhấn mạnh đây là tình huống nghiêm trọng và đáng lo ngại đồng thời kêu gọi tôn trọng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga cho biết đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả.
Ngày 8/3 vừa qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sỹ và giới doanh nghiệp trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ vấp phải sự phản đối của hàng loạt quốc gia. Trong khi đó, giới chức lập pháp nước này lo ngại quyết định của Tổng thống Trump sẽ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu./.