Các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền ở Nga hôm 23/11 đã đệ trình một dự luật tới Quốc hội trong đó đề xuất việc xếp hạng các công ty truyền thông nhận tiền từ nước ngoài là "các tổ chức đặc vụ của nước ngoài". Dự luật cũng có các quy định gây tranh cãi liên quan tới các tổ chức phi chính phủ (NGO). Dự luật được các nghị sĩ Yevgeny Fedorov và Anton Romanov của đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền đệ trình tới Hạ viện ở Duma Quốc gia sẽ coi các công ty truyền thông với hơn 50% thu nhập từ nước ngoài là "các tổ chức đặc vụ của nước ngoài". Luật mới cũng xếp các NGO nhận vốn từ nước ngoài vào nhóm trên. Tuy nhiên điều này đã gây tranh cãi lớn và các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng đây là hành động hạn chế tự do dân sự. Những người đề xuất dự luật muốn tạo ra một cơ chế ghi danh để các công ty truyền thông thuộc nhóm trên đăng ký và họ sẽ phải mang mác "tổ chức đặc vụ của nước ngoài". Cụm từ này không ám chỉ rằng các công ty trên tham gia hoạt động tình báo, nhưng sẽ tạo ấn tượng rằng họ có hành vi không yêu nước. Phần nội dung về NGO đã nhanh chóng được thông qua tại Quốc hội. Nhưng quyết định về phần nội dung liên quan tới các công ty truyền thông vẫn chưa rõ ràng, do mức độ ủng hộ của nó trong đảng cầm quyền chưa rõ ràng. ITAR-TASS dẫn lời Phó phát ngôn viên Duma Quốc gia Sergei Zheleznyak, một thành viên của đảng Nước Nga thống nhất, nói rằng ông thấy không có nhu cầu phải thay đổi luật truyền thông hiện nay. Phó bí thư thứ nhất đảng Nước Nga thống nhất Nikolai Bulayev nói rằng những người đề xuất luật vẫn chưa tiến hành thảo luận về nó trong nội bộ đảng. "Có vẻ như Fedorov thích tự ý hành động và dự luật này đã không được đưa ra để thảo luận. Vì thế theo lẽ tự nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông ấy" - Bulayev nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn có sự tự do báo chí ở trong nước (Nguồn: RIA/AFP)
Lãnh đạo hội đồng nhân quyền của Kremlin Mikhail Fedotov đã so sánh dự luật với việc hạ "bức màn thép" lên khung cảnh báo chí và bày tỏ tin tưởng rằng ông Putin muốn có sự tự do báo chí ở trong nước. "Hãy để họ (2 nghị sĩ đứng sau dự luật) hiểu rằng họ đang gây ra những thiệt hại như thế nào tới hình ảnh của đất nước chúng ta ở nước ngoài" - ông nói với hãng tin Interfax. Tuy nhiên Fedorov đã lên tiếng bảo vệ dự luật, cho biết ông đã bổ sung thêm quy định rằng chỉ các công ty có 50% thu nhập trở nên từ nước ngoài mới bị xếp hạng "cơ quan đặc vụ của nước ngoài". Ngoài ra các công ty truyền thông hoạt động trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và y tế sẽ không chịu ảnh hưởng từ luật mới./.
Linh Vũ (Vietnam+)