Nó để lại vệt trắng, nó có mùi khó chịu, nó dính, nó làm da tôi bị bí, nó làm lớp trang điểm trở nên dày và nhanh đổ dầu, tại sao tôi phải bôi nó liên tục mỗi 2 tiếng… Có muôn vàn lý do để những người không có thiện chí chống nắng ghét kem chống nắng. Nhưng cho dù bạn thấy phiền đến cỡ nào, dùng kem chống nắng vẫn là việc bắt buộc.
Những người sử dụng kem chống nắng hàng ngày hạn chế được 24% khả năng lão hóa sớm và giảm được 50% khả năng ung thư da so với những người kiên quyết không dùng kem chống nắng. Nếu không thể lảng tránh, sao không học cách yêu công việc này hơn? Nhất là khi, kem chống nắng không đáng ghét như bạn tưởng.
Thanh minh cho kem chống nắng
Kem chống nắng quá dày và bí?
Đó thật sự là chuyện của 5 năm trước. Còn ngày nay, các sản phẩm chống nắng đã được cải tiến mạnh mẽ cả về chất liệu, màu sắc và hiệu quả.
Các hãng mỹ phẩm đến từ các quốc gia châu Á hùng mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc đã góp phần mở ra thời đại của những loại kem chống nắng có chất liệu lỏng nhẹ như nhũ tương thay vì dày bịch như bơ dưỡng thể.
Sản phẩm chống nắng giờ đây có nhiều dạng thức: kem, gel, xịt kem, xịt nước, hoặc núp trong hình hài kem dưỡng ẩm hay phấn nền trang điểm để phù hợp với những nhu cầu khắt khe của người dùng.
Nếu bạn có làn da dầu khó chịu, hãy chọn sản phẩm dạng gel hoặc xịt, không bít lỗ chân lông (thường có chữ “Non-comedogenic) và kết thúc khô ráo (thường được thông báo bằng dòng chữ “Dry-touch”).
Kem chống nắng làm phiền lớp trang điểm?
Kem chống nắng thế hệ mới gần như không thể nhận thấy trên da. Chúng mỏng, không màu và hỗ trợ rất nhiều cho làn da trang điểm. Kem chống nắng có thể dùng thay kem lót, chúng làm căng mịn bề mặt da, làm mờ nếp nhăn và lỗ chân lông (nếu tích hợp silicon), giúp da sáng hơn nhờ sắc thái kem màu hồng đào…
Bạn sẽ thấy lớp nền sau đó căng mịn hơn, miễn rằng bạn đảm bảo kem chống nắng đã có thời gian để thẩm thấu (khoảng 5 phút) trước khi bôi kem nền. Hơn cả một loại kem bảo vệ, kem chống nắng giúp bề mặt da đẹp hơn, không riêng với làn da trang điểm mà ngay cả trên làn da để mộc.
Luôn phải đợi 20 phút cho kem thấm mới được ra khỏi nhà?
Tin vui cho bạn là không phải loại kem chống nắng nào cũng yêu cầu điều này. Cụ thể, chỉ kem chống nắng hóa học (sunscreen) mới cần thời gian để các thành phần như avobenzone, octinoxate, octocrylene, oxybenzone “tan” vào da và hấp thụ các tia UV có hại.
Còn kem chống nắng vật lý (sunblock) chứa các khoáng chất như titanium dioxide và zinc oxide mang cơ chế hoạt động như một bức tường thành chống lại tia cực tím, thực chất chúng có thể phát huy tác dụng ngay khi bôi lên da. Nghĩa là nếu bạn thường xuyên đi làm muộn vào buổi sáng, hãy chọn cho mình một loại kem chống nắng vật lý để sẵn sàng ra khỏi nhà một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, các khoáng chất vô cơ trong kem chống nắng vật lý ít khả năng tan rã hơn dưới ánh mặt trời, do đó, trừ trường hợp bạn đổ quá nhiều mồ hôi hoặc dùng khăn lau đi, kem chống nắng vật lý có thể hoạt động lâu hơn kem chống nắng hóa học một chút. Dẫu sao, dù dùng loại kem nào, bạn vẫn nên bôi bổ sung sau mỗi 40 phút - 2 tiếng đồng hồ (tùy chỉ số SPF của kem).
Kem chống nắng làm hỏng da?
Sự thật là da chỉ hỏng khi bạn không bôi kem chống nắng. Một số người sợ rằng các hóa chất trong kem chống nắng hóa học tan vào da sẽ làm thay đổi hormone và gây ung thư da. Nhưng chưa có trường hợp nào bị ung thư da vì kem chống nắng, chỉ có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư da vì không dùng kem chống nắng mà thôi.
Và giả dụ, ngay cả khi điều hoang đường này là thật, bạn vẫn còn một lựa chọn khác là kem chống nắng vật lý. Các khoáng chất kim loại chỉ nằm trên bề mặt chứ không thấm vào da, vì vậy, chẳng còn lý do gì để bạn chối bỏ nó.
Cũng vì sự khác nhau trong cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học, những người sở hữu làn da nhạy cảm được chỉ định dùng kem chống nắng vật lý.
Các chất chống nắng không thấm vào da sẽ không làm tăng nguy cơ phản ứng trên làn da của họ. Còn với tất cả các loại da, sau khi dùng kem chống nắng, bạn cần làm sạch bằng sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt và tẩy tế bào chết 2 lần/tuần.
Kem chống nắng là anh hùng dưới ánh sáng mặt trời nhưng là kẻ thù nếu nó vẫn tồn tại trên da khi màn đêm buông xuống.
Kem chống nắng bị rửa trôi trong nước, vậy sao phải dùng nó khi chúng ta đi bơi?
Từ “water-proof ” (không thấm nước) lẽ ra không được phép dùng trên bao bì kem chống nắng và bất kỳ loại mỹ phẩm nào nữa, bởi trên thực tế, chẳng chất liệu mỹ phẩm nào có khả năng chống lại nước hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn nên tin vào những sản phẩm có dòng chữ “water-resistant” (chịu nước).
Các nhà sản xuất hoàn toàn không có ý định lừa phỉnh bạn. Kem chống nắng chịu nước không giúp bạn an toàn bơi lội cả ngày. Chúng chỉ giúp bạn cầm cự lâu hơn thay vì vừa xuống nước 5 phút đã phải lên bờ bôi lại kem.
Thị trường kem chống nắng là muôn hình vạn trạng, khi bạn đã dính không ít trải nghiệm đau thương với những loại kem chống nắng dày, bí, trắng, gây dị ứng, có mùi khó chịu… không có nghĩa là ngoài kia không còn loại kem chống nắng dễ thương, dễ chịu nào dành cho bạn.
Bởi kem chống nắng là không thể bỏ qua và nó tiếp xúc trực tiếp với làn da, đừng ngại thử thật nhiều sản phẩm để tìm ra loại thích hợp nhất với mình. Đừng sớm nản lòng, ngoài biển vẫn còn nhiều cá lớn!