Đưa dịch vụ lên di động, giúp người dân tiếp cận chính phủ điện tử

Các chuyên gia cho rằng, các lĩnh vực cần phải quan tâm tại Việt Nam hiện nay là dịch vụ công của chính quyền, y tế và giao thông. Bên cạnh đó, cần đưa dịch vụ lên di động để người dân tiếp cận.
Đưa dịch vụ lên di động, giúp người dân tiếp cận chính phủ điện tử ảnh 1Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay vấn đề quan trọng của chính phủ điện tử là phải phục vụ được người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tuy đã có nhiều bước tiến về triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam song theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều phải làm để người dân thực sự được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính phủ điện tử cũng cần tính tới xu hướng di động hóa ngày một mạnh mẽ…

Nhiệm vụ bức thiết

Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra tại Hà Nội vào ngày 30/3, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, lộ trình ứng dụng công nghệ đang gặp khó khăn, dịch vụ công còn chưa thực sự hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Theo Khảo sát của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế 2015, chỉ số phát triển công nghệ thông tin 2015 của Việt Nam chỉ xếp thứ 102/167, tụt 8 bậc so với 2014.

Tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong phát triển chính phủ điện tử đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2015 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp tốt hơn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập.

Nói về hiện trạng chính phủ điện tử, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết 90% cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ; 60% các bộ, ngành và 40% các tỉnh, thành phố có ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số. Mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng, hoàn thành triển khai xong giai đoạn 2, kết nối đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện.

Bên cạnh đó, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành đã có trang, cổng thông tin điện tử. Các trang này hầu hết cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (cho phép tải hồ sơ). Số dịch vụ công mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ qua mạng) được cung cấp ngày càng nhiều…

Tuy nhiên, ông Tiến cũng đưa ra hạn chế như nhiều nơi chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa nhiều.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay vấn đề cấp thiết trong phát triển chính phủ điện tử là cần liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, tỉnh đến Trung ương; phải phục vụ được người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên 1 cổng quốc gia duy nhất để mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập; cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ công nghệ…

Nói về mục tiêu giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Cục Tin học hóa cho biết, theo định hướng, các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4. Phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia…

Cụ thể, 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; 100% văn bản không mật trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm song song cùng văn bản giấy).

Trong giai đoạn này, Việt Nam cũng sẽ triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm…

Đưa dịch vụ lên di động, giúp người dân tiếp cận chính phủ điện tử ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đưa lên di động

Về việc phát triển chính phủ điện tử phù hợp với công nghệ mới, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương khuyến nghị cơ quan chức năng cần chú trọng cung cấp dịch vụ phù hợp với thiết bị di động.

Theo ông Nam, trước đây chính phủ điện tử được truy cập trên máy tính là chủ yếu. Tuy nhiên, xu hướng trong thời gian qua cho thấy người dân tiếp cận dịch vụ công trên thiết bị di động ngày càng nhiều. Bài toán đặt ra cho các chính phủ, trong đó có Việt Nam là phải làm sao đưa dịch vụ công lên di động nhiều hơn để cho người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

Tại Việt Nam, với hạ tầng công nghệ phát triển mạnh, 3G đã phủ sóng rộng khắp và sắp tới sẽ là 4G. Bên cạnh đó, số lượng người dùng smartphone, kết nối Internet ngày càng tăng trưởng. Và, khi nắm bắt được xu hướng này, việc triển khai sẽ thành công.

Lãnh đạo Qualcomm cũng cho hay, cùng với lúc đưa dịch vụ lên di động, việc bảo mật thông tin khi thực hiện, đăng ký dịch vụ công cũng phải được bảo đảm an toàn. Vấn đề này các nhà cung cấp dịch vụ, chính phủ, người dùng… đều phải quan tâm.

Ông Nam cũng đưa ra ví dụ về việc vừa qua đơn vị này cùng thành phố New York (Mỹ) đã hoàn tất dự án chuyển đổi 7.500 điểm gọi điện thoại bằng tiền xu sang các điểm phát wifi. Trong trường hợp không dùng di động, tại đây cũng có các thiết bị để người dân truy cập các dịch vụ của thành phố tìm kiếm thông tin cần thiết…

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho hay, theo thống kê của Liên hợp quốc từ năm 2012-2014, số quốc gia sử dụng ứng dụng di động để tương tác với dân tăng lên 50%.

“Xu thế là chuyển dịch từ điện thoại sang email, sms, mạng xã hội và ứng dụng di động. Nhưng chỉ có sms, mạng xã hội và ứng dụng di động là còn phát triển,” ông Tuấn nói.

Một trong những trở ngại khi triển khai thành phố thông minh, chính phủ điện tử là nguồn lực tài chính và nhân lực. Về vấn đề này, ông Thiều Phương Nam cho rằng, có những dịch vụ nhà nước phải làm, song cũng có dịch vụ nên để các thành phần kinh tế khác tham gia.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn cho biết chỗ nào có dịch vụ, chỗ đó nên có xã hội hóa và dịch vụ công không nên có một dơn vị cung cấp mà phải có nhiều đơn vị để tạo sự cạnh tranh, cải tiến liên tục và thu hút người dùng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các lĩnh vực cần quan tâm để phát triển hiện nay tại Việt Nam là dịch vụ công của chính quyền, y tế và giao thông…/.

Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử 2016 do Ủy ban Nhân dân Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức.

Với chủ đề “Phát triển chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân,” sự kiện này gồm báo cáo chính và hai chuyên đề, gồm: Phát triển hạ tầng thông tin và bảo mật dữ liệu trong khối chính phủ và Xây dựng thành phố thông minh, phát triển y tế điện tử và giao thông thông minh.

Cùng với hội thảo, triển lãm công nghệ đã trưng bày các giải pháp công nghệ như hạ tầng truyền thông, trung tâm dữ liệu, dữ liệu lớn, bảo mật thông tin, các sản phẩm giám sát và quản lý giao thông, y tế…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục