Đưa tranh Hàng Trống đến gần với khán giả trẻ nhờ công nghệ mới

Việc ứng dụng các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, đặc biệt là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (trong nhận diện hình ảnh, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại sẽ cuốn hút người xem.
Hơn 100 bức tranh Hàng Trống cũng được trình chiếu theo công nghệ 3D mapping, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại. (Ảnh: TTXVN)
Hơn 100 bức tranh Hàng Trống cũng được trình chiếu theo công nghệ 3D mapping, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại. (Ảnh: TTXVN)

Với việc ứng dụng công nghệ 3D Mapping, triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem, từ đó, đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng đương đại.

Chương trình đã chính khai mạc tối qua (20/11) và sẽ kéo dài đến hết ngày 27/11 tại Bảo tàng Hà Nội.

Trưng bày những tác phẩm quý

Triển lãm trưng bày 50 bức tranh Hàng Trống theo các chủ đề: tranh thờ, tranh Tết và tranh thế sự. Điểm nhấn quan trọng là hai bức tranh trên nền tôn (“Tứ phủ ông hoàng” và “Bà chúa thượng ngàn”) do cha của nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện từ những năm 1942-1943.

[Chiêm ngưỡng những nét đẹp tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay]

Theo ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đây là hai tác phẩm quý của dòng tranh dân gian Hàng Trống, thể hiện sự điêu luyện trong nét vẽ của nghệ nhân.

Trong không gian trưng bày thực, nghệ nhân sẽ hướng dẫn khách tham quan cách vẽ tranh Hàng Trống, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của dòng tranh dân gian này.

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Lê Đình Nghiên cho biết, trước đây, dòng tranh này phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón (Hà Nội) với hai loại phổ biến là tranh thờ và tranh Tết.

Đặc điểm nổi bật của tranh Hàng Trống này nét mảnh, tinh, yểu điệu. Do sử dụng được màu phẩm nên hòa sắc của tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Màu thường là lam-hồng, ngoài ra còn có thêm lục-đỏ, da cam-vàng. Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật, không có khái niệm về không gian xa-gần.

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16. Dòng tranh này được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của dòng tranh này. Tranh Hàng Trống cũng góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên phồn thịnh một thời.

Đưa tranh Hàng Trống đến gần với khán giả trẻ nhờ công nghệ mới ảnh 1Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ tranh dân gian Hàng Trống. (Ảnh: TTXVN)

Tìm về vốn cổ bằng lối đi mới

Tại triển lãm, hình ảnh hơn 100 bức tranh Hàng Trống cũng được trình chiếu theo công nghệ 3D mapping, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại.

Ngoài ra, tại không gian trải nghiệm, ban tổ chức ứng dụng công nghệ nhận diện hình ảnh giúp khách tham quan tương tác với các tác phẩm. Cụ thể, hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ tạo ra nét vẽ và du khách sẽ được trải nghiệm hình ảnh của chính mình trong một bức tranh dân gian Hàng Trống.

Đại diện ban tổ chức cho biết, việc kết hợp song song hai không gian trưng bày (không gian trưng bày thực và không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ mới) nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhiều đối tượng người xem khác nhau.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, đặc biệt là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện hình ảnh, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại sẽ cuốn hút người xem.

“Đây là một cách làm mới, hay để thu hút khán giả (đặc biệt là giới trẻ) tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống nói riêng và các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc nói chung,” nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế bày tỏ.

Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục