Đưa văn học tiếp cận cộng đồng người đồng tính

Hiện nay, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) vẫn chưa nhận được nhiều cảm thông, chia sẻ trong xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) vẫn chưa nhận được nhiều cảm thông, chia sẻ trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngày 14/8, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Thụy Điển và Quỹ Urgent Action tổ chức Hội thảo “Văn học nghệ thuật và LGBT.”

Cơ hội để sẻ chia


Nằm trong chuỗi các hoạt động ủng hộ tháng Tự hào của cộng đồng LGBT - tháng của bình đẳng, tôn trọng, tình yêu thương, sự sẻ chia để xóa bỏ định kiến và chống kỳ thị, hội thảo nói trên là cầu nối để cộng đồng LGBT và giới văn nghệ sỹ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những khó khăn của không chỉ cộng đồng LGBT mà còn cả của giới văn nghệ sỹ khi sáng tác về chủ đề này.

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều gương mặt nhà văn, đạo diễn đáng chú ý như các nhà văn Lê Minh Khuê, Bùi Anh Tấn, Trang Hạ, Cao Nguyệt Nguyên, các đạo diễn Bùi Như Lai, Hữu Mười, Hoàng Nhuận Cầm… cùng phụ huynh và các bạn trẻ đại diện từ cộng đồng LGBT.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc tổ chức CSAGA đã nhắc lại những khó khăn mà cộng đồng LGBT đang phải đối mặt tại Việt Nam hiện nay, và khẳng định văn học, nghệ thuật là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi tư duy, thái độ của mọi người đối với những người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Bình đã có bài trình bày nghiên cứu về hình tượng LGBT trong văn học nghệ thuật tại Việt Nam, từ đó mở ra cuộc thảo luận về văn học nghệ thuật đang tác động như thế nào đến cách đánh giá, hành xử của xã hội với cộng đồng LGBT.

Cũng tại buổi hội thảo, Ban tổ chức đã bố trí tọa đàm giữa những nhà văn, đạo diễn, nhà báo với đại diện từ cộng đồng LGBT và cha mẹ của họ để lắng nghe chia sẻ, ước mong, kỳ vọng của những người liên quan đối với giới văn nghệ sỹ, nhằm đi tới những kiến nghị về cách tiếp cận phù hợp khi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề LGBT.

Trước khi tổ chức sự kiện Hội thảo “Văn học - Nghệ thuật và LGBT,” CSAGA cũng đã thực hiện Triển lãm “TÍM” tại phòng triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, thể hiện khát khao và suy nghĩ của những người đồng tính nữ.

Vẫn còn những e ngại

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, nhà văn Trang Hạ cho biết chị chưa có kế hoạch thực hiện một tác phẩm về LGBT trong thời gian tới, còn nhà văn Lê Minh Khuê thì khẳng định bà sẽ không viết, bởi “đề tài này vẫn hơi… khó nói.”

Trong khi đó, cây bút trẻ Cao Nguyệt Nguyên thì thẳng thắn bày tỏ: “Thực sự tôi chưa có điều kiện, chưa có vốn kiến thức để viết về đề tài này. Tuy nhiên, sau khi tham dự hội thảo, được lắng nghe tâm sự từ những người trong cuộc, trong tương lai, có thể tôi sẽ có tác phẩm theo đề tài LGBT.”

Trước câu hỏi của phóng viên Vietnam+ về luồng ý kiến cho rằng liệu những tác giả ủng hộ LGBT có làm thổi bùng lên một xu hướng “LGBT hóa” xã hội hay không, nhà văn Cao Nguyệt Nguyên khẳng định: “Những dư luận trái chiều như vậy vẫn luôn tồn tại, chính vì thế tôi thấy buổi hội thảo như hôm nay mới thực sự có ý nghĩa, để khơi dậy sự đồng cảm, hiểu đúng về vấn đề. Tôi tin rằng số lượng người hiểu theo hướng tiêu cực không nhiều, nhất là khi thế giới cũng đang có tiếng nói tích cực bảo vệ cộng đồng LGBT.”

Dù vẫn còn đó nhiều trở ngại, nhưng những thành viên cộng đồng LGBT đều tỏ ra tin tưởng, lạc quan vào sự thay đổi của xã hội, sau những hoạt động tích cực của các tổ chức phát triển như CSAGA, cùng sự chung tay của những người làm truyền thông./.

Trung Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục