Đức bác bỏ khả năng lập căn cứ NATO ở khu vực Baltic

Thủ tướng Đức khẳng định mối quan hệ chặt chẽ của NATO với các quốc gia vùng Baltic, song bác bỏ khả năng thiết lập các căn cứ của liên minh quân sự ở khu vực này.
Đức bác bỏ khả năng lập căn cứ NATO ở khu vực Baltic ảnh 1 Thủ tướng Đức (trái) và người đồng cấp Latvia Laimdota Straujuma. (Nguồn: Reuters)

Trong chuyến thăm Latvia ngày 18/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với các quốc gia vùng Baltic, song bác bỏ khả năng thiết lập các căn cứ của liên minh quân sự ở khu vực này.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Laimdota Straujuma, Thủ tướng Merkel cho biết NATO sẽ tăng cường hiện diện tại các vùng lãnh thổ Đông Âu, có thể thông qua các cuộc tập trận trong khu vực. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức một lần nữa bác bỏ khả năng thiết lập căn cứ lâu dài của NATO ở Latvia, Litva hay Estonia.

Nhà lãnh đạo Đức khẳng định NATO không chỉ có hiệp ước nội khối mà còn có thỏa thuận về quan hệ NATO với Nga, điều "không nên xâm phạm vào thời điểm này."

Bà Merkel thừa nhận tình trạng bất ổn ở Đông Ukraine sau khi Nga sáp nhập trở lại Crimea đã làm thay đổi tình hình an ninh trong khu vực và buộc NATO phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống cần thiết.

Chuyến thăm tới Latvia của Thủ tướng Merkel nhằm tái khẳng định sự ủng hộ Đức cũng như NATO với các nước khu vực Baltic, đồng thời chia sẻ quan ngại của các nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine.

Trước đó, Chính phủ Đức tuyên bố từ tháng 9 tới sẽ điều 6 máy bay chiến đấu tham gia giám sát vùng trời Baltic.

Việc NATO mở rộng về Đông Âu, như việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania, đã gây căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Theo các nhà quan sát, Đức đang thực thi chính sách ngoại giao kép hướng Đông trong cuộc xung đột ở Ukraine. Một mặt cả Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nỗ lực làm trung gian cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, mặt khác Berlin muốn trấn an mối quan ngại của các nước Đông Âu, trước hết là Ba Lan và các nước Baltic về nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang ở Đông Ukraine.

Theo kế hoạch, vào ngày 23/8 tới, Thủ tướng Merkel sẽ tới Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục