Đức khẳng định đã tránh được kịch bản xấu nhất về vấn đề năng lượng

Bộ trưởng Habeck cho biết dù giá khí đốt có thể tăng trở lại, nhưng ông vẫn "lạc quan nhất định" trước mùa Đông năm tới, do lượng dự trữ khí đốt đã tăng lên và việc cung cấp LNG đang được đẩy mạnh.
Đức khẳng định đã tránh được kịch bản xấu nhất về vấn đề năng lượng ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trạm OGE lớn nhất châu Âu ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/1, Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này cho đến nay đã tránh được kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng kho dự trữ khí đốt của Đức đủ để đảm bảo cho mùa Đông năm tới.

Phát biểu họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm thủ đô Oslo của Na Uy, Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh: "Đến thời điểm hiện tại đã tránh được kịch bản xấu nhất từng đe dọa Đức trong mùa Hè này, đồng thời đã tránh được nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của trung tâm công nghiệp châu Âu và Đức. Các bể chứa khí đốt hiện đã dự trữ được hơn 90% dung tích và giá nhiên liệu đang giảm. Dù chẳng có gì được đảm bảo, nhưng điều này cho thấy hành động chính trị quyết đoán đang dẫn tới thành công."

Bộ trưởng Habeck nói thêm rằng dù giá khí đốt có thể tăng trở lại, nhưng ông vẫn có "sự lạc quan nhất định" trước mùa Đông năm tới, do lượng dự trữ khí đốt đã tăng lên và việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đang được đẩy mạnh.

[Đức không bị ảnh hưởng trong mùa Đông nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt]

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhấn mạnh: "Đức hiện đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Na Uy và Na Uy cũng có một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Đức."

Cùng ngày, 2 nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực xanh như hydrogen, pin điện, lưu trữ carbon và năng lượng tái tạo.

Đức chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU) này khóa van các đường ống vận chuyển vào tháng 9 năm ngoái do các biện pháp trừng phạt liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, Đức đã nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, như Na Uy và Mỹ, bằng cách trả giá cao hơn đối với khí đốt của các quốc gia này.

Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức cũng nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG. Vào tháng 12/2022, nước này đã khánh thành cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven.

Trong khi đó, Na Uy đã tăng 8% sản lượng khai thác khí đốt trong năm ngoái và trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu tại châu Âu kể từ tháng 2/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục