Đức lần đầu tiên cho phép vũ trang các máy bay không người lái

Bộ Quốc phòng Đức có ý định vũ trang hoàn toàn cho các máy bay Heron TP mua của Israel với tổng ngân sách khoảng 152,61 triệu euro, bao gồm chi phí cho việc huấn luyện và mua sắm đạn dược.
Đức lần đầu tiên cho phép vũ trang các máy bay không người lái ảnh 1Máy bay không người lái Heron TP. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Lần đầu tiên sau nhiều năm, quân đội Đức sẽ được trang bị máy bay không người lái có vũ trang.

Động thái này của Berlin được đưa ra trong bối cảnh Đức đang nỗ lực thúc đẩy năng lực quốc phòng sau khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẽ chi 100 tỷ euro (109 tỷ USD) để củng cố quân đội liên bang.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Đức ngày 6/4 đã "bật đèn xanh" cho phép chính phủ liên bang vũ trang cho các máy bay không người lái mới Heron TP đặt mua của Israel.

Hãng tin Đức DPA cho biết đa số nghị sỹ đã ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn cần được sự phê chuẩn của Ủy ban Ngân sách Quốc hội.

[Châu Âu phát triển máy bay giám sát không người lái tiên tiến nhất]

Bộ Quốc phòng Đức có ý định vũ trang hoàn toàn cho các máy bay Heron TP mua của Israel với tổng ngân sách khoảng 152,61 triệu euro, bao gồm chi phí cho việc huấn luyện và mua sắm đạn dược.

Dự án trang bị máy bay không người lái cũng sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn các binh sỹ được triển khai ở các vùng chiến sự.

Việc trang bị vũ khí cho các máy bay không người lái Heron TP chỉ có thể được thực hiện với loại tên lửa đặc biệt "Special Payload" do Israel sản xuất.

Theo kế hoạch, Đức sẽ đặt mua 140 chiếc Heron TP kèm tên lửa phóng, trong đó 60 chiếc sử dụng cho mục đích huấn luyện và 80 chiếc đưa vào trực chiến. Số máy bay này sẽ được bàn giao cho Đức trong 2 năm.

Không giống như nhiều nước đồng minh, lực lượng vũ trang Đức cho tới nay chỉ được phép triển khai các máy bay không người lái không được vũ trang, sử dụng cho mục đích do thám hay trinh sát.

Kế hoạch mua sắm các máy bay Heron TP được Quốc hội Đức phê chuẩn từ năm 2018, song kế hoạch vũ trang cho các máy bay này đã bị "đóng băng" từ cuối năm 2020 do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đối tác trong liên minh cầm quyền dưới thời Thủ tướng Angela Merkel.

Tuy nhiên, quan điểm của SPD đã thay đổi sau khi Thủ tướng Scholz (thuộc SPD) thông báo sẽ tăng chi tiêu mạnh cho quân đội.

Trong kế hoạch mua sắm vũ khi, Đức cũng dự định mua 35 máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ và 15 chiếc Eurofighter của châu Âu. Đức cũng lên kế hoạch mua một hệ thống phòng thủ tên lửa, có thể là hệ thống Vòm Sắt của Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục