Đức đã soán ngôi "quyền lực mềm" số một thế giới, đẩy Anh và Mỹ xuống vị trí thứ hai và thứ ba, xét về các yếu tố văn hoá, thể thao, kinh tế và ngoại giao.
Việc xếp hạng quyền lực mềm hàng năm do tạp chí Monocle và Viện Chính phủ (Anh) tiến hành nhằm xếp hạng 30 quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến các nước khác thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, ngoại giao, ẩm thực và thiết kế.
Monocle nhận xét Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể được mô tả như một "người đốc công cứng rắn", song dường như bà và quốc gia mà bà dẫn dắt lại có thứ quyền lực mềm lớn hơn.
Monocle cho rằng điều này không có gì ngạc nhiên bởi Đức có truyền thống tuyệt vời về việc theo đuổi các ý tưởng, các giá trị và mục đích của mình nhờ sử dụng công cụ ngoại giao, văn hoá và kinh tế.
Theo tạp chí trên, bằng việc lặng lẽ làm tốt từ những điều đơn giản, Đức - quốc gia từng rất thận trọng trong việc thể hiện ảnh hưởng của mình ra nước ngoài, đã trở thành một cường quốc một cách thuyết phục.
Theo giáo sư, chuyên gia về chính sách đối ngoại người Mỹ Walter Russell Mead, chính sách đối ngoại của Đức đã tương đối thành công ở châu Âu và Berlin đang ngày càng có vai trò lớn hơn trên thế giới.
Trong danh sách 10 quốc gia có quyền lực mềm lớn nhất năm 2013, Anh bị đẩy xuống vị trí thứ hai và Mỹ thứ ba, tiếp sau lần lượt là Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Australia, Thụy Sĩ, Canada và Italy./.