Ngày 30/9, Tòa án Đức bắt đầu phiên tòa xét xử một mạng lưới khủng bố gồm các thành viên là những đối tượng có tư tưởng Đức Quốc xã kiểu mới, với cáo buộc âm mưu kích động bạo lực chính trị tại Đức vào đúng ngày Quốc khánh 3/10 cách đây một năm.
Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh nhiều thông tin cho thấy phong trào cực hữu ở Đức đang ngày càng cực đoan và được vũ trang nhiều hơn.
Theo cơ quan công tố liên bang, tại tòa, 8 thành viên của nhóm mang tên "Cách mạng Chemnitz" từ thành phố Chemnitz, thuộc bang Saxony, tuổi từ 21-32 tuổi, phải trả lời các câu hỏi liên quan tới cáo buộc "thành lập một tổ chức khủng bố cánh hữu."
Tòa sẽ lắng nghe 75 nhân chứng để hiểu rõ âm mưu và quy mô của mạng lưới trên. Dự kiến tiến trình xét xử sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 4/2020. An ninh đã được thắt chặt tại Dresden, thủ phủ bang Saxony, nơi diễn ra phiên tòa.
Các nghi can bị cáo buộc "cùng nhau thực hiện các mục tiêu chính trị của mình, là thay đổi các nền tảng của nhà nước, thông qua các hành động bạo lực nghiêm trọng."
Theo công tố viên, các bị cáo tìm cách tiến hành "các vụ tấn công bạo lực và có vũ trang" chống lại người nhập cư và những người không có cùng khuynh hướng chính trị với mình. Theo các cơ quan chức năng, các thành viên nhóm trên tìm cách mua vũ khí bán tự động để chuẩn bị cho một "vụ tàn sát đẫm máu" tại Berlin vào ngày 3/10/2018.
[Các vụ tấn công bạo lực của các nhóm cực hữu tại Đức gia tăng]
Hầu hết các nghi can đã bị bắt giữ ngày 1/10/2018 trong khi người được cho là thủ lĩnh nhóm này, kỹ sư điện 32 tuổi Christian Keilberg bị bắt hai tuần sau đó vì tấn công người nhập cư tại Chemnitz.
Bang Saxony được cho là "thành trì" của phong trào cánh hữu cực đoan, nơi có trụ sở của nhiều tổ chức cực đoan. Sự oán giận đã lên đến cao trào tại đây kể từ khi Thủ tướng Angela Merkel thực thi chính sách tự do về người tị nạn, dẫn đến sự xuất hiện của hơn 1 triệu người xin tị nạn vào Đức năm 2015.
Thái độ phản kháng này đã được thể hiện trong kết quả cuộc bầu cử tại bang Saxony trong tháng Chín. Theo đó, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu, phản đối nhập cư và chống Hồi giáo đã nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục là 27,5%.
Đây là đòn giáng mạnh vào liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel (nhận được 32%).
Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã cảnh báo nguy cơ gia tăng các tay súng cực hữu, và gọi đây là "mối đe dọa lớn tương tự như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan."
Cuối tuần trước, ông Seehofer cho biết năm ngoái, cảnh sát đã phát hiện 1.091 đơn vị vũ khí các loại, trong đó có nhiều vũ khí nóng và thiết bị nổ, trong các cuộc điều tra tội phạm liên quan đến phong trào cực hữu.
Con số này cao hơn nhiều 676 vũ khí được phát hiện trong cả năm 2017./.