Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc lá mới và nghiêm cấm giới trẻ sử dụng sản phẩm này.
Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới ảnh 1Tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới” nhận được những góp ý cụ thể, thiết thực của các đại biểu.(Nguồn: Vietnam+)

Quan điểm về sự cần thiết phải kiểm soát thuốc lá thế hệ mới bằng luật và nghiêm cấm giới trẻ sử dụng sản phẩm này đã nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia có mặt tại tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới” do Báo VietnamPlus tổ chức sáng 17/8 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự góp mặt của các đại biểu đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục Đào tạo, các chuyên gia y tế trong và ngoài nước cùng chuyên gia nghiên cứu về môi trường sức khỏe Việt Nam.

Tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá làm nóng thấp nhất

Tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi Trường Sức khỏe (CHERAD), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã trình bày kết quả khảo sát độc lập về tính phổ biến của thuốc lá mới đối với giới trẻ.

Khảo sát được thực hiện trên 1.000 học sinh từ 12-17 tuổi tại Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, có 18,4% đã từng thử hút thuốc lá điện tử và 13,8% vẫn đang sử dụng. Còn thuốc lá làm nóng thì có 4,5% học sinh đã từng thử hút và 3,2% vẫn đang sử dụng, chủ yếu là học sinh Trung học Phổ thông.

Cụ thể, học sinh độ tuổi 12 không dùng Thuốc lá Làm nóng, nhưng các em ở độ tuổi 17 thì có 5,5% sử dụng sản phẩm này. Trong khi đó, với Thuốc lá Điện tử thì ở học sinh 12 tuổi có đến 9,7% đang sử dụng, và 17 tuổi thì có 17,6%.

Mặt khác, khảo sát cũng đưa ra vấn đề đáng quan tâm, đó là hầu hết học sinh đều biết tác hại của thuốc lá thế nhưng tỷ lệ các em đã từng hút thuốc lá điếu hoặc sử dụng các loại thuốc lá mới lên đến 21,3%, chỉ tính riêng tại Hà Nội. Đồng thời các học sinh tham gia khảo sát có xu hướng cho rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ít độc hại hơn thuốc lá điếu thông thường.

Đánh giá về những ghi nhận này, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của các loại thuốc lá mới. Do đó, theo ông Huy, Bộ Y tế cần có những nghiên cứu toàn diện về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, sức khỏe, và bao gồm giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ.

Đây sẽ là cơ sở để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm đưa ra các giải pháp, văn bản để có thể bổ sung vào Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá đối với thuốc lá mới, thiết lập một hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý các sản phẩm này nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc giới trẻ tiếp cận.

Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới ảnh 2Ông Nguyễn Huy Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) trình bày kết quả khảo sát độc lập về tính chất phổ biến của thuốc lá mới đối với giới trẻ .(Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, hội thảo còn có phần tham luận trực tuyến của Tiến sỹ Hiroya Kumamaru, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản. Ông dẫn lại kết quả khảo sát năm 2021 do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tài trợ cho nhóm chuyên gia y tế thực hiện.

Theo khảo sát này, dưới sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ Nhật, tỷ lệ học sinh Trung học Cơ sở sử dụng thuốc lá điếu, Thuốc lá Làm nóng, hoặc thậm chí Thuốc lá Điện tử (mặc dù là hàng nhập lậu) đều rất thấp, gần như đạt đến tỷ lệ 0%. Riêng tỷ lệ học sinh Trung học Phổ thông sử dụng Thuốc lá Làm nóng chỉ ở mức 0,1%.

“Vì vậy, Bộ Y tế Nhật Bản không quá lo lắng về nguy cơ tạo ra cửa ngõ để chuyển từ hút thuốc lá mới sang thuốc lá truyền thống ở giới trẻ,” Tiến sỹ Kumamaru nói thêm.

Chia sẻ những ý kiến này, bác sỹ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV, nhấn mạnh rằng đối tượng sử dụng thuốc lá mới là những người không thể cai thuốc cần tìm đến các giải pháp giảm tác hại và tiến tới cai hoàn toàn. Bởi vậy, có ít cơ sở để lo ngại "thuốc lá mới là lời mời mọc, câu dẫn giới trẻ khiến họ hiểu đây là những sản phẩm vô hại."

Cấm hoàn toàn thuốc lá mới liệu có khả thi?

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết, dù là thuốc lá truyền thống, Thuốc lá Điện tử, hay Thuốc lá Làm nóng, nếu đã là thuốc lá thì theo quy định của Luật Đầu tư, đều thuộc loại mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chứ không phải mặt hàng bị cấm kinh doanh. Tuy nhiên, đang có một khoảng trống pháp lý cụ thể trong việc quản lý các mặt hàng này, dẫn đến người dùng dễ tiếp cận với thuốc lá mới nhập lậu.

[Tìm giải pháp về pháp lý để ngăn giới trẻ tiếp cận thuốc lá thế hệ mới]

Ông Hải cũng nhìn nhận, tỷ lệ người trẻ bắt đầu tập tành sử dụng thuốc lá mới ngày càng gia tăng. Vì vậy, muốn định hướng đúng cho người tiêu dùng thì phải có hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá mới.

Bác sỹ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV, cũng cho rằng, cấm hoàn toàn thuốc lá mới là không khả thi, vì khi chưa kịp cấm thì các sản phẩm này đã tràn lan trên thị trường chợ đen. Theo Bác sỹ Phương, luật hiện đang đi sau thực tiễn một khoảng rất dài. Khi ra luật, phải hiểu biết rõ ràng về lợi ích, tác hại của thuốc lá mới.

Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới ảnh 3Bác sỹ Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho rằng cấm hoàn toàn thuốc lá mới là không khả thi.(Nguồn: Vietnam+)

Kiểm soát bằng luật để nghiêm cấm giới trẻ sử dụng thuốc lá mới

Dưới góc độ người làm giáo dục, ông Nguyễn Nho Huy lo ngại nếu không có sự quản lý phù hợp, thuốc lá mới có khả năng sẽ trở thành con đường tắt, khiến giới trẻ dễ dàng tiếp cận và hút thuốc lá nhiều hơn. Do đó, ông cho rằng cần tuyệt đối cấm giới trẻ sử dụng các sản phẩm này.

Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới ảnh 4Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục Đào tạo nêu những khó khăn mà ngành giáo dục gặp phải khi xử lý vấn nạn thuốc lá trong học đường.(Nguồn: Vietnam+)

Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga kiến nghị, trong trường học thì tốt nhất phải cấm học sinh hút thuốc và có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các em vi phạm. Tiến sỹ Kumamaru cũng chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản: “Tôi cho rằng không có sự khác biệt về quan điểm đối với việc sử dụng thuốc lá điếu hay thuốc lá mới đối với người dưới 18 tuổi. Vì ở Nhật, khi dưới 18 tuổi, bạn không được hút bất kỳ thứ gì. Nếu giáo viên ở các trường trung học phát hiện bất kỳ học sinh nào hút dù là thuốc lá điếu hay Thuốc lá Làm nóng, Thuốc lá Điện tử, họ đều sẽ phạt nặng học sinh đó, thậm chí buộc thôi học.”

Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới ảnh 5Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp, đồng tình với quan điểm cần quản lý nghiêm ngặt thuốc lá dưới mọi hình thức trong học đường.(Nguồn: Vietnam+)

Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải cho rằng cần phải quản lý nghiêm ngặt mọi sản phẩm thuốc lá không được tiếp cận môi trường học đường. Ông Hải nhấn mạnh, việc ngăn chặn học sinh, sinh viên tiếp cận thuốc lá đã được quy định rất rõ trong Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá.

Tuy nhiên, khâu thực thi vẫn còn yếu vì chưa có lực lượng chuyên trách xử phạt nghiêm minh, mặc dù hệ thống pháp luật đã nêu rất đầy đủ các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể. Ông Hải đưa ra so sánh, nếu lưu thông trên đường mà không đội mũ bảo hiểm thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt, nhưng ai sẽ xử phạt người dưới 18 tuổi đi mua hay sử dụng thuốc lá?

Về góc độ pháp lý, ông Hải khẳng định việc tạo hành lang pháp lý cho thuốc lá mới không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa cho các chất cấm được trà trộn vào Thuốc lá Điện tử trá hình, mà chỉ nhằm quản lý các sản phẩm là thuốc lá và được kiểm soát mặt chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, được cấp tem nhãn. Ông Hải cũng cho rằng, đã là thuốc lá thì sản phẩm nào cũng độc hại. Nhưng giữa những sản phẩm có hại đó thì có thể lựa chọn sản phẩm nào ít tác hại nhất cho những người hút thuốc ở độ tuổi hợp pháp.

“Đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần khẩn trương trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý các sản phẩm này một cách chặt chẽ,” ông Hải kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục