Dùng hạt polymer giữ ẩm đất để tăng năng suất

Đề tài khoa học "Mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ sử dụng Polymer siêu hấp thụ nước trong thâm canh rau, hoa trên đất khô cạn tại tỉnh Vĩnh Phúc" vừa được nghiệm thu ngay trên địa bàn tỉnh này.

Đề tài khoa học "Mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ sử dụng Polymer siêu hấp thụ nước trong thâm canh rau, hoa trên đất khô cạn tại tỉnh Vĩnh Phúc" vừa được nghiệm thu ngay trên địa bàn tỉnh này.
 
Các hạt polymer được sản xuất chủ yếu từ tinh bột sắn và acid Acrylic có khả năng siêu hấp thụ nước, thời gian lưu trong đất 12 - 15 tháng và tự phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Kết quả cho thấy mô hình này hiệu quả kinh tế cao, không gây tác dụng phụ, đầu tư ít tốn kém, cần sớm được đưa ra diện rộng.
 
Đây là đề tài cấp Bộ do Viện Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, thực hiện tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
 
Xuất phát từ thực tế là trên các cánh đồng đất đồi ở Vĩnh Phúc, hàng năm thường bị khô hạn, cây trồng thiếu nước, độ ẩm rất thấp, các chất dinh dưỡng hòa tan trong đất ít, một phần bị rửa trôi theo mưa, do đó cây trồng không hấp thu được, năng suất thấp.
 
Các hạt Polymer đã tích nước và giữ cho độ ẩm thường xuyên trong đất đạt độ cần thiết để hòa tan các chất dinh dưỡng cho cây, lưu giữ được các chất dinh dưỡng, làm tăng lượng vi sinh vật trong đất, góp phần tạo chất hữu cơ, tăng độ phì..., từ đó tăng năng suất cây trồng.
 
Thí nghiệm được thực hiện trên diện tích 2,75 ha bí xanh từ tháng 8 đến tháng 12/2008 tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên như nói trên với 56 hộ dân tham gia.
 
Kết quả thu được cho thấy năng suất thí nghiệm so với đối chứng tăng 17,3%. Theo thời giá hiện tại (đầu năm 2009), mỗi ha cho hiệu quả kinh tế tăng 28.656.000 đồng so với đối chứng. Việc thực hiện cũng dễ dàng, mỗi ha chỉ cần 40 kg hạt Polymer, mỗi kg hạt Polymer giá 35.000 đồng, cả một ha chỉ phải đầu tư thêm 1,4 triệu đồng.
 
Từ kết quả này ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đang xem xét để có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân đưa ra diện rộng, bởi Vĩnh Phúc hiện có trên 10.000 ha đất đồi dốc thường xuyên bị khô hạn./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục