Bên cạnh việc doanh nghiệp cung cấp thiết bị “sạch,” người dân cần phải trang bị những kiến thức, công cụ cần thiết để tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn thông tin vốn ngày một trở nên phức tạp.
DN phải cung cấp thiết bị “sạch”
Sau 15 năm gia nhập Internet, nền công nghệ Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với thế giới, thách thức về an ninh mạng luôn là bài toán được đặt ra.
Gần đây nhất, thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav trong tháng 10/2012 cho thấy, có 3.737 dòng virus máy tính mới xuất hiện, lây nhiễm trên 5.599.000 lượt máy tính. Ngoài ra, đã có 84 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập...
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay, bên cạnh mặt lợi thì Internet cũng “làm cho chúng ta khá đau đầu” trong việc tìm phương pháp chống lại tội phạm mạng.
Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, máy tính bảng, các hiểm họa về mất an toàn thông tin cũng ngày một gia tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị cần phải bảo đảm “sạch” trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Ông John Suffolk, Phó chủ tịch cao cấp, Giám đốc Bảo mật toàn cầu của Tập đoàn Huawei, hiện nay thách thức an ninh mạng ngày càng tăng. Khi công nghệ ngày càng phổ biến, thế giới liên kết với nhau và khi chính phủ-doanh nghiệp-người tiêu dùng ngày càng dựa nhiều hơn vào công nghệ thì nguy cơ bị tấn công ngày càng lớn.
Là nhà cung cấp thiết bị, đại diện của Huawei cho rằng các công ty công nghệ trên toàn cầu phải bảo vệ công nghệ của mình khỏi các mục đích gây hại. Đó có thể là mục đích phá hoại, kiểm soát, làm tê liệt, ngăn chặn hoặc tháo dỡ mạng, hạ tầng hoặc sử dụng công nghệ làm gián điệp...
Phía Huawei khẳng định sẽ không chủ ý cho phép công nghệ của mình được sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp. Đơn vị này cũng chủ động liên lạc với chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và các chuyên gia trong ngành để trao đổi về việc thành lập một Ủy ban cố vấn bảo mật thông tin toàn cầu, nhằm xây dựng năng lực của bảo mật.
“Không có một công ty nào dám nói sản phẩm của họ an toàn 100%. Về sản phẩm của mình, chúng tôi chấp nhận việc kiểm định, kiểm tra nghiêm ngặt nhất tại các quốc gia mà Huawei có mặt,” ông John Suffolk nói.
Tự bảo vệ
Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính (VNCERT-Bộ Thông tin và Truyền thông) từng nhận định, tuy an toàn thông tin ở Việt Nam có tiến bộ, song chưa cao. Trong khi đó, tin tặc luôn có những phương pháp tấn công mới, kỹ thuật hiện đại.
Bởi thế, để bảo đảm an toàn thông tin thì ngoài việc các cơ quan quản lý, đơn vị bảo đảm an toàn thông tin, sản xuất thiết bị... vào cuộc thì rất cần sự tham gia của chính những người tiêu dùng.
Để hỗ trợ người dùng cuối ở Việt Nam, ngày 21/11, VNISA, VNCERT và gã khổng lồ Google đã ra mắt chiến dịch “Biết nhiều hơn, hữu ích hơn” nhằm giới thiệu các công cụ đơn giản, dễ sử dụng, giúp người dùng Internet có thêm kiến thức để truy cập Internet một cách an toàn hơn.
Ông Mike Orgill, Giám đốc chính sách công của Google Đông Nam Á cho hay, những công cụ này được Google cung cấp miễn phí tại đường link: http://www.google.com/intl/vi/goodtoknow.
Thực tế, những “bí kíp” này khá đơn giản song không phải người dùng nào cũng biết, như việc sử dụng mật khẩu khác nhau cho tài khoản khác nhau, mật khẩu phải đủ mạnh và “độc” (mật khẩu dài; sử dụng kết hợp chữ cái, số và biểu tượng...). Ngoài ra, người dùng cần khóa màn hình khi rời khỏi máy tính bàn, máy tính bảng hoặc smartphone, cập nhật bản mới nhất của trình duyệt, cảnh giác với những đường link lạ...
“Nhận thức về an toàn thông tin từ mọi cấp độ là rất quan trọng, đặc biệt là người mới sử dụng Internet. Do đó, cần phải có những biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức người dùng... Và, bộ công cụ của Google là một trong những tài liệu hữu ích,” Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh nói./.
DN phải cung cấp thiết bị “sạch”
Sau 15 năm gia nhập Internet, nền công nghệ Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với thế giới, thách thức về an ninh mạng luôn là bài toán được đặt ra.
Gần đây nhất, thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav trong tháng 10/2012 cho thấy, có 3.737 dòng virus máy tính mới xuất hiện, lây nhiễm trên 5.599.000 lượt máy tính. Ngoài ra, đã có 84 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập...
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay, bên cạnh mặt lợi thì Internet cũng “làm cho chúng ta khá đau đầu” trong việc tìm phương pháp chống lại tội phạm mạng.
Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, máy tính bảng, các hiểm họa về mất an toàn thông tin cũng ngày một gia tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị cần phải bảo đảm “sạch” trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Ông John Suffolk, Phó chủ tịch cao cấp, Giám đốc Bảo mật toàn cầu của Tập đoàn Huawei, hiện nay thách thức an ninh mạng ngày càng tăng. Khi công nghệ ngày càng phổ biến, thế giới liên kết với nhau và khi chính phủ-doanh nghiệp-người tiêu dùng ngày càng dựa nhiều hơn vào công nghệ thì nguy cơ bị tấn công ngày càng lớn.
Là nhà cung cấp thiết bị, đại diện của Huawei cho rằng các công ty công nghệ trên toàn cầu phải bảo vệ công nghệ của mình khỏi các mục đích gây hại. Đó có thể là mục đích phá hoại, kiểm soát, làm tê liệt, ngăn chặn hoặc tháo dỡ mạng, hạ tầng hoặc sử dụng công nghệ làm gián điệp...
Phía Huawei khẳng định sẽ không chủ ý cho phép công nghệ của mình được sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp. Đơn vị này cũng chủ động liên lạc với chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và các chuyên gia trong ngành để trao đổi về việc thành lập một Ủy ban cố vấn bảo mật thông tin toàn cầu, nhằm xây dựng năng lực của bảo mật.
“Không có một công ty nào dám nói sản phẩm của họ an toàn 100%. Về sản phẩm của mình, chúng tôi chấp nhận việc kiểm định, kiểm tra nghiêm ngặt nhất tại các quốc gia mà Huawei có mặt,” ông John Suffolk nói.
Tự bảo vệ
Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính (VNCERT-Bộ Thông tin và Truyền thông) từng nhận định, tuy an toàn thông tin ở Việt Nam có tiến bộ, song chưa cao. Trong khi đó, tin tặc luôn có những phương pháp tấn công mới, kỹ thuật hiện đại.
Bởi thế, để bảo đảm an toàn thông tin thì ngoài việc các cơ quan quản lý, đơn vị bảo đảm an toàn thông tin, sản xuất thiết bị... vào cuộc thì rất cần sự tham gia của chính những người tiêu dùng.
Để hỗ trợ người dùng cuối ở Việt Nam, ngày 21/11, VNISA, VNCERT và gã khổng lồ Google đã ra mắt chiến dịch “Biết nhiều hơn, hữu ích hơn” nhằm giới thiệu các công cụ đơn giản, dễ sử dụng, giúp người dùng Internet có thêm kiến thức để truy cập Internet một cách an toàn hơn.
Ông Mike Orgill, Giám đốc chính sách công của Google Đông Nam Á cho hay, những công cụ này được Google cung cấp miễn phí tại đường link: http://www.google.com/intl/vi/goodtoknow.
Thực tế, những “bí kíp” này khá đơn giản song không phải người dùng nào cũng biết, như việc sử dụng mật khẩu khác nhau cho tài khoản khác nhau, mật khẩu phải đủ mạnh và “độc” (mật khẩu dài; sử dụng kết hợp chữ cái, số và biểu tượng...). Ngoài ra, người dùng cần khóa màn hình khi rời khỏi máy tính bàn, máy tính bảng hoặc smartphone, cập nhật bản mới nhất của trình duyệt, cảnh giác với những đường link lạ...
“Nhận thức về an toàn thông tin từ mọi cấp độ là rất quan trọng, đặc biệt là người mới sử dụng Internet. Do đó, cần phải có những biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức người dùng... Và, bộ công cụ của Google là một trong những tài liệu hữu ích,” Tiến sĩ Vũ Quốc Khánh nói./.
Kỳ Dương (Vietnam+)