Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng Âm lịch),trên địa bàn Hà Nội diễn ra ba lễ hội lớn: Lễ hội kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn tại huyện Sóc Sơn và lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh.
Mặc dù trời mưa nhưng các lễ hội vẫn diễn ra tưng bừng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới tham dự.
Lễ hội kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã diễn ra trang trọng tại đền Hạ Lôi ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Tại đây, những người tham dự lễ hội đã được ôn lại tinh thần đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng trong cuộc chiến đấu giữ nước và dựng nước của dân tộc. Năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) tại xã Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, đánh tan quân xâm lược Đông Hán, lập Quốc xưng Vương, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay đặt ở thôn Hạ Lôi, không chỉ lưu giữ dấu thiêng về hai vị nữ anh hùng thời thơ ấu mà còn lưu giữ quá trình chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Lễ hội bắt đầu từ 5 giờ sáng với hai phần lễ tế và lễ rước. Sau nghi lễ tế, lễ rước được thực hiện với sự tham gia của hàng trăm người và chia làm hai khối văn hóa tâm linh và hồi cố lịch sử. Khối văn hóa tâm linh gồm: đoàn cờ lễ hội, đội chiêng trống, đoàn nghinh trượng. Riêng đoàn nghinh trượng được bố trí hùng hậu với hình tượng voi chiến, ngựa chiến, binh đao, cờ lệnh, phường bát âm… biểu trưng cho sức mạnh và khí thế của Hai Bà Trưng lúc ra trận. Trong khối hồi cố lịch sử có thể hiện hồi cố về gia đình Hai Bà Trưng với hình tượng Thi Sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Phần hội được tổ chức sôi nổi với các trò diễn, trò chơi, diễn xướng của xã Mê Linh như bịt mắt bắt dê, đu, cờ, văn nghệ truyền thống... Một số xã trong huyện Mê Linh cũng tham gia hành lễ và các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống.
Ông Nguyễn Huy Bái, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Hạ Lôi nói; “Ngày khai hội có khoảng 2 vạn lượt người tham dự. Năm nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng có nhiều chuyển biến, an ninh trật tự tốt hơn...” Lễ hội diễn ra đến hết ngày 10 tháng Giêng Âm lịch.
Sáng cùng ngày, lễ hội truyền thống đền Sóc Sơn hay còn gọi là lễ hội Gióng cũng đã được tổ chức trang trọng theo tục truyền tại sân Rồng đền Thượng, Khu Du lịch Di tích đền Sóc tưởng nhớ thượng đẳng phúc thần Phù Đổng thiên vương.
Hàng nghìn người dân huyện Sóc Sơn và du khách thập phương đội mưa tham dự lễ dâng vật phẩm và kính cẩn dâng hương tới đức Phù Đổng thiên vương cùng các vị thánh thần ngự tại Sóc Sơn linh từ.
Nghi lễ được mọi người mong đợi nhất là lễ dâng lễ vật, hương hoa quả phẩm lên đức Phù Đổng thiên vương của các làng xã khu vực xung quanh đền Sóc Sơn và đó cũng chính là hồn cốt của lễ hội, gồm lễ: dâng hoa tre-ngựa sắt của xã Phù Linh, dâng voi chiến của xã Tiên Dược, phẩm trầu cau của thôn Đan Tải (xã Tân Minh), dâng ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của xã Xuân Giang, rước kiệu tướng của xã Bắc Phú, dâng cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Đặc biệt, lễ phẩm hoa tre được dâng lên thượng đẳng phúc thần đầu tiên, thể hiện tấm lòng thành kính của các thế hệ con cháu người Việt đối với đức Thánh. Đây là nét văn hóa đặc trưng của lễ hội đền Sóc Sơn nhằm hình tượng hóa hình ảnh Thánh Gióng dùng tre ngà đánh đuổi giặc Ân
Theo truyền thuyết, ngựa sắt đã cùng Thánh Gióng đánh tan giặc Ân và đưa đức Thánh bay về trời; do vậy trong các lễ phẩm dâng lên Thánh Gióng bao giờ cũng có hình tượng ngựa sắt. Vật phẩm dâng đức Phù Đổng thiên vương được các làng, xã chuẩn bị công phu với lòng thành kính; rước từ thôn làng đến sân đền Thượng làm lễ.
Năm nay, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tổ chức lễ hội theo tinh thần vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa đã được UNESCO công nhận với mục đích chính giáo dục, khơi dậy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.
Ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nói: “Ý thức về những giá trị của di sản phi vật thể thế giới; bà con nhân dân các làng xã rất phấn khởi. Công tác chuẩn bị lễ hội đã được cả chính quyền và nhân dân chuẩn bị chu đáo từ trước Tết Nguyên đán. Mùa lễ hội này, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng thắt chặt hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự, trông giữ xe, phòng cháy chữa cháy rừng, cờ bạc trá hình… để lễ hội Gióng đền Sóc thực sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc.”
Tuy nhiên, tục tán lộc sau khi dâng lễ vật, hương hoa quả phẩm lên đức Phù Đổng thiên vương cùng các vị thánh thần còn bị biến tướng thành cảnh "tranh cướp" các vật phẩm mang về lấy may ngay cả khi vật phẩm mới làm lễ dâng đức Thánh xong, còn chưa đưa tới đền Trình hay đền Mẫu, gây nên tình trạng lộn xộn, thậm chí có người bị thương tích.
Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết mặc dù Ban tổ chức tuyên truyền vận động các đoàn dâng lễ cũng như người dự lễ có cách ứng xử tốt, quy định kích thước, độ dài những cây gậy bảo vệ lễ phẩm nhưng vì lượng người quá đông và do quan niệm tâm linh sai lệch nên tình trạng này còn xảy ra.
Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra tại Khu du lịch di tích đền Sóc Sơn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng Âm lịch).
Lễ hội Cổ Loa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh cũng đã chính thức khai hội vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch nhằm tưởng nhớ ngày An Dương Vương lên ngôi.
Lễ hội năm naycàng có ý nghĩa khi Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa - một di tích có quan hệ chặt chẽ với lễ hội Cổ Loa, vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Cổ Loa là lễ hội chung của bát xã (tám làng), bởi vậy hội Cổ Loa luôn được tổ chức trong không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Đúng 7 giờ sáng, nghi thức tế, lễ, rước dâng cung vua diễn ra tại đền thờ vua An Dương Vương - người có công dựng lên Nhà nước Âu Lạc. Mở đầu là phần lễ của anh Cả Quậy, sau đó là nghi lễ rước lễ vào đền của bát xã.
Nghi lễ diễn ra theo đúng phong tục cổ xưa, trang nghiêm, tôn kính. Đầu tiên là đoàn tế lễ của hội đồng bát xã Loa Thành, các quan viên lễ nữ của bát xã Loa Thành. Sau đó đến chương trình nghênh rước kiệu của hội đồng bát xã Loa Thành.
Đi đầu là kiệu của đơn vị Cổ Loa, kiệu Minh Đính, rước bài vị vua An Dương Vương, tiếp theo là kiệu của Văn Thượng, Mạch Tràng, Sàn Giã, Ngoại Sáp, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Khưu, rước từ sân rồng Thượng, xuống sân Rồng Trung, rồng Hạ rẽ tay phải đi về phía Tây vòng quanh hồ Ngọc Tỉnh, đến ngã tư trung tâm lễ hội, các đơn vị rước kiệu đi về làng mình. Còn Cổ Loa rước kiệu vua về đền Thượng, rước kiệu văn về đình Ngự triều Di Quy.
Phần hội cũng diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian giúp du khách hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm nay, do làm tốt công tác tổ chức nên ngày khai hội không xảy ra tình trạng ùn tắc, không có hành vi cờ bạc trá hình, hàng rong bán tràn lan…
Trong dòng người đi xem hội, ông Nguyễn Tuấn Mạnh, phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi năm nào cũng đi lễ hội, vừa nhớ lại truyền thống lịch sử của cha ông, vừa giáo dục cho con cái trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc”. Chính bởi lẽ đó, lễ hội Cổ Loa cũng như các lễ hội khác luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái ở mọi lứa tuổi, đối tượng khác nhau./.
Mặc dù trời mưa nhưng các lễ hội vẫn diễn ra tưng bừng, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới tham dự.
Lễ hội kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã diễn ra trang trọng tại đền Hạ Lôi ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Tại đây, những người tham dự lễ hội đã được ôn lại tinh thần đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng trong cuộc chiến đấu giữ nước và dựng nước của dân tộc. Năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) tại xã Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, đánh tan quân xâm lược Đông Hán, lập Quốc xưng Vương, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay đặt ở thôn Hạ Lôi, không chỉ lưu giữ dấu thiêng về hai vị nữ anh hùng thời thơ ấu mà còn lưu giữ quá trình chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Lễ hội bắt đầu từ 5 giờ sáng với hai phần lễ tế và lễ rước. Sau nghi lễ tế, lễ rước được thực hiện với sự tham gia của hàng trăm người và chia làm hai khối văn hóa tâm linh và hồi cố lịch sử. Khối văn hóa tâm linh gồm: đoàn cờ lễ hội, đội chiêng trống, đoàn nghinh trượng. Riêng đoàn nghinh trượng được bố trí hùng hậu với hình tượng voi chiến, ngựa chiến, binh đao, cờ lệnh, phường bát âm… biểu trưng cho sức mạnh và khí thế của Hai Bà Trưng lúc ra trận. Trong khối hồi cố lịch sử có thể hiện hồi cố về gia đình Hai Bà Trưng với hình tượng Thi Sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Phần hội được tổ chức sôi nổi với các trò diễn, trò chơi, diễn xướng của xã Mê Linh như bịt mắt bắt dê, đu, cờ, văn nghệ truyền thống... Một số xã trong huyện Mê Linh cũng tham gia hành lễ và các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống.
Ông Nguyễn Huy Bái, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Hạ Lôi nói; “Ngày khai hội có khoảng 2 vạn lượt người tham dự. Năm nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng có nhiều chuyển biến, an ninh trật tự tốt hơn...” Lễ hội diễn ra đến hết ngày 10 tháng Giêng Âm lịch.
Sáng cùng ngày, lễ hội truyền thống đền Sóc Sơn hay còn gọi là lễ hội Gióng cũng đã được tổ chức trang trọng theo tục truyền tại sân Rồng đền Thượng, Khu Du lịch Di tích đền Sóc tưởng nhớ thượng đẳng phúc thần Phù Đổng thiên vương.
Hàng nghìn người dân huyện Sóc Sơn và du khách thập phương đội mưa tham dự lễ dâng vật phẩm và kính cẩn dâng hương tới đức Phù Đổng thiên vương cùng các vị thánh thần ngự tại Sóc Sơn linh từ.
Nghi lễ được mọi người mong đợi nhất là lễ dâng lễ vật, hương hoa quả phẩm lên đức Phù Đổng thiên vương của các làng xã khu vực xung quanh đền Sóc Sơn và đó cũng chính là hồn cốt của lễ hội, gồm lễ: dâng hoa tre-ngựa sắt của xã Phù Linh, dâng voi chiến của xã Tiên Dược, phẩm trầu cau của thôn Đan Tải (xã Tân Minh), dâng ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của xã Xuân Giang, rước kiệu tướng của xã Bắc Phú, dâng cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Đặc biệt, lễ phẩm hoa tre được dâng lên thượng đẳng phúc thần đầu tiên, thể hiện tấm lòng thành kính của các thế hệ con cháu người Việt đối với đức Thánh. Đây là nét văn hóa đặc trưng của lễ hội đền Sóc Sơn nhằm hình tượng hóa hình ảnh Thánh Gióng dùng tre ngà đánh đuổi giặc Ân
Theo truyền thuyết, ngựa sắt đã cùng Thánh Gióng đánh tan giặc Ân và đưa đức Thánh bay về trời; do vậy trong các lễ phẩm dâng lên Thánh Gióng bao giờ cũng có hình tượng ngựa sắt. Vật phẩm dâng đức Phù Đổng thiên vương được các làng, xã chuẩn bị công phu với lòng thành kính; rước từ thôn làng đến sân đền Thượng làm lễ.
Năm nay, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tổ chức lễ hội theo tinh thần vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa đã được UNESCO công nhận với mục đích chính giáo dục, khơi dậy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.
Ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nói: “Ý thức về những giá trị của di sản phi vật thể thế giới; bà con nhân dân các làng xã rất phấn khởi. Công tác chuẩn bị lễ hội đã được cả chính quyền và nhân dân chuẩn bị chu đáo từ trước Tết Nguyên đán. Mùa lễ hội này, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cũng thắt chặt hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự, trông giữ xe, phòng cháy chữa cháy rừng, cờ bạc trá hình… để lễ hội Gióng đền Sóc thực sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc.”
Tuy nhiên, tục tán lộc sau khi dâng lễ vật, hương hoa quả phẩm lên đức Phù Đổng thiên vương cùng các vị thánh thần còn bị biến tướng thành cảnh "tranh cướp" các vật phẩm mang về lấy may ngay cả khi vật phẩm mới làm lễ dâng đức Thánh xong, còn chưa đưa tới đền Trình hay đền Mẫu, gây nên tình trạng lộn xộn, thậm chí có người bị thương tích.
Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết mặc dù Ban tổ chức tuyên truyền vận động các đoàn dâng lễ cũng như người dự lễ có cách ứng xử tốt, quy định kích thước, độ dài những cây gậy bảo vệ lễ phẩm nhưng vì lượng người quá đông và do quan niệm tâm linh sai lệch nên tình trạng này còn xảy ra.
Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra tại Khu du lịch di tích đền Sóc Sơn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng Âm lịch).
Lễ hội Cổ Loa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh cũng đã chính thức khai hội vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch nhằm tưởng nhớ ngày An Dương Vương lên ngôi.
Lễ hội năm naycàng có ý nghĩa khi Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa - một di tích có quan hệ chặt chẽ với lễ hội Cổ Loa, vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Cổ Loa là lễ hội chung của bát xã (tám làng), bởi vậy hội Cổ Loa luôn được tổ chức trong không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Đúng 7 giờ sáng, nghi thức tế, lễ, rước dâng cung vua diễn ra tại đền thờ vua An Dương Vương - người có công dựng lên Nhà nước Âu Lạc. Mở đầu là phần lễ của anh Cả Quậy, sau đó là nghi lễ rước lễ vào đền của bát xã.
Nghi lễ diễn ra theo đúng phong tục cổ xưa, trang nghiêm, tôn kính. Đầu tiên là đoàn tế lễ của hội đồng bát xã Loa Thành, các quan viên lễ nữ của bát xã Loa Thành. Sau đó đến chương trình nghênh rước kiệu của hội đồng bát xã Loa Thành.
Đi đầu là kiệu của đơn vị Cổ Loa, kiệu Minh Đính, rước bài vị vua An Dương Vương, tiếp theo là kiệu của Văn Thượng, Mạch Tràng, Sàn Giã, Ngoại Sáp, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Khưu, rước từ sân rồng Thượng, xuống sân Rồng Trung, rồng Hạ rẽ tay phải đi về phía Tây vòng quanh hồ Ngọc Tỉnh, đến ngã tư trung tâm lễ hội, các đơn vị rước kiệu đi về làng mình. Còn Cổ Loa rước kiệu vua về đền Thượng, rước kiệu văn về đình Ngự triều Di Quy.
Phần hội cũng diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian giúp du khách hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm nay, do làm tốt công tác tổ chức nên ngày khai hội không xảy ra tình trạng ùn tắc, không có hành vi cờ bạc trá hình, hàng rong bán tràn lan…
Trong dòng người đi xem hội, ông Nguyễn Tuấn Mạnh, phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi năm nào cũng đi lễ hội, vừa nhớ lại truyền thống lịch sử của cha ông, vừa giáo dục cho con cái trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc”. Chính bởi lẽ đó, lễ hội Cổ Loa cũng như các lễ hội khác luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái ở mọi lứa tuổi, đối tượng khác nhau./.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)