Duyệt chức danh giáo sư-phó giáo sư: Ba vòng xét vẫn chưa khách quan?

Mặc dù được thực hiện qua ba vòng xét duyệt với nhiều lần bỏ phiếu nhưng hiện quy trình thực hiện việc xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư vẫn được cho là có nhiều bất cập.
Duyệt chức danh giáo sư-phó giáo sư: Ba vòng xét vẫn chưa khách quan? ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Mặc dù được thực hiện qua ba vòng xét duyệt với nhiều lần bỏ phiếu nhưng hiện quy trình thực hiện việc xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư vẫn được cho là chưa đảm bảo khách quan.

Ba vòng sàng lọc hồ sơ

Việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 được thực hiện theo quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về việc sửa, bổ sung một số điều của quyết định số 174 năm 2008 "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư".

Theo đó, để được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, hồ sơ của ứng viên sẽ phải qua ba vòng xét duyệt, từ hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đến hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là nơi đầu tiên thẩm định hồ sơ, xác định kết quả nghiên cứu và khả năng ngoại ngữ của ứng viên. Mỗi hồ sơ đăng ký chức danh giáo sư, phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư, phó giáo sư cùng chuyên môn thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.

Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở sẽ trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ. Sau khi thảo luận, hội đồng chức danh giáo sư cơ sở sẽ chọn người đăng ký đủ điều kiện đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm và sẽ biểu quyết bằng phiếu kín.

[Tranh cãi việc hồ sơ xét giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế nằm trong diện xem xét lại]

Sau khi xét duyệt, hội đồng cơ sở sẽ chuyển toàn bộ kết quả và hồ sơ của các ứng viên lên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phân loại và chuyển cho hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành. Quy trình thẩm định hồ sơ và xét công nhận tiêu chuẩn chức danh tại hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành cũng giống như ở hội đồng cơ sở. Sau đó, hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo kết quả và chuyển lại toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xem xét của các hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của hội đồng để ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên.

Sau khi Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, các trường đại học căn cứ trên nhu cầu của trường để quyết định bổ nhiệm. Khi được bổ nhiệm, ứng viên mới chính thức trở thành giáo sư, phó giáo sư và được hưởng các chế độ lương tương ứng theo quy định.

Duyệt chức danh giáo sư-phó giáo sư: Ba vòng xét vẫn chưa khách quan? ảnh 2Sau khi được công nhận đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, các ứng viên phải được trường đại học bổ nhiệm mới trở thành giáo sư, phó giáo sư chính thức. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Vẫn chưa đảm bảo khách quan?

Dù được thực hiện xét duyệt đến ba vòng nhưng nhiều ý kiến cho rằng quy trình xét duyệt vẫn chưa khách quan, đặc biệt là việc bỏ phiếu kín.

Phó giáo sư Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết có rất nhiều người giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu khoa học rất cao, nhưng bị trượt vì bỏ phiếu.

Một giáo sư chia sẻ, bản thân ông đã trải qua hai lần xét duyệt, phó giáo sư và giáo sư, nên rất “thấm” việc bỏ phiếu kín mà theo ông là nhiều "yêu ghét" này. “Khi đã xác định làm hồ sơ xét duyệt là không dám làm mất lòng bất cứ vị nào có lá phiếu trong tay, bởi theo quy định, phải đủ 3/4 số phiếu thì mới được thông qua, số phận mình trong tay họ, cho dù có đủ điểm hồ sơ đi chăng nữa,” vị giáo sư chia sẻ.

[Thủ tướng chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng việc xét công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư]

Tuy nhiên, có nên bỏ việc bỏ phiếu kín hay không cũng là vấn đề đang còn gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc bỏ phiếu kín là cần thiết.

Phản biện quan điểm cho rằng chỉ nên quy định các tiêu chí cứng trên hồ sơ, ông Thi nói: “Vấn đề khoa học không đơn giản như một cộng một là hai. Không thể chỉ cộng điểm cơ học, người này 2 bài báo bằng người kia 2 bài báo, vì có người chỉ có một bài báo nhưng giá trị bằng hàng trăm bài báo của người khác. Sản phẩm khoa học là sản phẩm riêng lẻ, đặc thù, ở tầm cao, không thể lấy số lượng để so sánh. Ngay cả giữa những người đánh giá cũng có cách tiếp cận khác nhau,” giáo sư Đào Trọng Thi phân tích.

Vì thế, theo giáo sư Đào Trọng Thi, việc phải bỏ phiếu và quy định một tỷ lệ nào đó là cách làm bình thường trong khoa học. “Ngay một luận án tiến sỹ cũng cần phải bỏ phiếu. Khi quyết định đánh giá phải là kết quả chung của tập thể,” ông Thi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục