EC đánh giá cao sáng kiến hạn chế người di cư của Italy

Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa gửi thư cho Thủ tướng Italy Matteo Renzi bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng thực hiện theo sáng kiến giải quyết vấn đề di cư “Migration Compact” của Italy.
EC đánh giá cao sáng kiến hạn chế người di cư của Italy ảnh 1Người tị nạn và di cư đợi để qua biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng thông tấn Ansa của Italy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker vừa gửi thư cho Thủ tướng Italy Matteo Renzi bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến giải quyết vấn đề di cư “Migration Compact” của Italy.

Trong bức thư, ông Juncker cho rằng các biện pháp Italy đưa ra trong sáng kiến là thực sự cần thiết để giải quyết tận gốc vấn đề di cư và đảm bảo an toàn biên giới bên ngoài EU cũng như xóa bỏ ngăn cách giữa các quốc gia trong khu vực Shengen, đồng thời tỏ ý sẵn sàng thực hiện tất cả các biện pháp mà Italy đưa ra.

Ông cũng khẳng định sáng kiến của Italy sẽ góp phần làm sâu sắc hơn sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) về di cư, sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 28-29/6 tới.

Kể từ khi đưa ra, sáng kiến của Italy nhận được sự ủng hộ của EU và một số nhân vật cấp cao của EU. Tuy nhiên, Đức, quốc gia đứng đầu EU tỏ ra hoài nghi về sáng kiến này.

Ngày 18/4, người phát ngôn của Thủ tướngĐức Angela Merken Steffen Seibert cho rằng Đức chưa thấy được sơ sở cho việc huy động nguồn lực tài chính của các quốc gia thành viên EU dành để hỗ trợ cho các quốc gia châu Phi.

Trước đó, ngày 17/4, Italy đã gửi lên Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu kế hoạch hạn chế dòng người di cư đổ về châu Âu “Migration Compact.”

Dựa trên những kinh nghiệm từ thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, kế hoạch của Italy đưa ra nhằm hạn chế dòng người di cư đổ về châu Âu qua khu vực Địa Trung hải thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính và ưu đãi (được gọi là bond Ue-Africa – trái phiếu Âu-Phi) dành cho các quốc gia có người di cư, các quốc gia trung gian, trọng tâm là các nước châu Phi.

Nội dung kế hoạch đề cập tới 6 điểm chính bao gồm: Đầu tư xây dựng các công trình xã hội và cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đối tác; Phát hành trái phiếu Âu-Phi để tài trợ cho các dự án hạ tầng và tạo điều kiện cho các nước này tiếp cận các định chế tài chính lớn của châu Âu và thế giới; Hợp tác trên lĩnh vực an ninh để kiểm soát chung các đường biên giới, hợp tác phòng chống tội phạm, tạo điều kiện cho người nhập cư hợp pháp, xây dựng và hỗ trợ cho các quốc gia tham gia xây dựng hệ thống trại tị nạn, sử dụng lực lượng biên phòng châu Âu để kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người di cư; Hợp tác trao đổi dữ liệu nhận dạng cá nhân những người di cư; Quản lý các trại tị nạn, hỗ trợ các địa phương đón tiếp người tị nạn xác định những người được phép nhập cư hoặc không; Triển khai mạng lưới quốc gia tiếp nhận người tị nạn, đấu tranh phòng chống buôn bán người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục