EC đề xuất cải tổ các quy định trong thực thi luật châu Âu

EC đưa ra đề xuất cải tổ các quy định trong thực thi luật châu Âu nhằm tránh việc các nước thành viên Liên minh châu Âu đổ mọi trách nhiệm lên EC trong nhiều vấn đề tranh cãi.
EC đề xuất cải tổ các quy định trong thực thi luật châu Âu ảnh 1Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/2, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất cải tổ các quy định trong thực thi luật châu Âu nhằm tránh việc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đổ mọi trách nhiệm lên EC trong các vấn đề gây tranh cãi, như vụ hồ sơ về chất trong thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate hay các sản phẩm biến đổi gene.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đánh giá các biện pháp EC đề xuất nhằm tăng cường sự minh bạch về quan điểm của các nước thành viên và cùng với đó các nước phải có trách nhiệm hơn trong quá trình ra quyết định.

Chương trình cải cách của EC chủ yếu là nhằm vào quy trình ra quyết định theo chuẩn mực châu Âu, một cơ cấu phức tạp và ít được biết đến cho phép các nước châu Âu kiểm soát cách thức mà EC thực thi các chính sách của EU.

Trong trường hợp chất diệt cỏ có chứa glyphosate, phần lớn các nước đồng ý vào tháng Sáu vừa qua với đề xuất của EC liên quan đến việc cấp mới giấy phép cho sản phẩm, nhưng lại không đạt được đa số cần thiết khi tính đến tỷ trọng dân số của từng nước.

Pháp và Malta đã bỏ phiếu chống, 7 nước khác bỏ phiếu trắng, trong đó có Đức và Italy, nên không đi đến được quyết định cuối cùng.

Theo EC, vào các năm 2015 và 2016, EC đã buộc phải tự thông qua 17 văn bản quyết định liên quan đến việc cho phép sử dụng các sản phẩm được coi là nhạy cảm hay các sản phẩm biến đổi gien, với cùng nguyên nhân là các nước thành viên không thể đi đến lập trường thống nhất là chống hay đồng ý đối với các đề xuất của Ủy ban châu Âu.

Trong lần cải cách này, EC đề xuất giải pháp mới, theo đó tại phần cuối cùng của quá trình ra quyết định sẽ chỉ có hai loại phiếu là phiếu đồng ý và phiếu chống (loại bỏ phiếu trắng), điều này giúp EC tránh được tình trạng phải đưa ra quyết định mà không có sự ủng hộ chính trị rõ ràng của từng nước thành viên.

EC cũng chủ trương Bộ trưởng các nước có thể tham dự vào phần bỏ phiếu lại khi đại diện các nước thành viên không đưa ra được lập trường thống nhất và EC cũng mong muốn đại diện các nước thành viên công khai lập trường của họ.

Theo EC, trong thời gian tới các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ phải đưa ra ý kiến của họ đối với các đề xuất mới này của EC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục