EC lo ngại mất cân bằng kinh tế của TBN, Slovenia

EC cảnh báo Tây Ban Nha và Slovenia nhanh chóng giải quyết mất cân bằng kinh tế vì hai nước này có tình hình tài chính rất tồi tệ.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/4 đã cảnh báo Tây Ban Nha và Slovenia phải nhanh chóng giải quyết vấn đề mất cân bằng kinh tế vĩ mô quá mức vì đây là hai nước có tình hình tài chính tồi tệ nhất trong số 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện nằm trong danh sách "cần được kiểm soát chặt chẽ."

EC cũng cho rằng tình trạng nợ công gia tăng của Pháp đang đặt ra cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một thách thức lớn.

Cho đến thời điểm hiện nay, Tây Ban Nha đã phải sử dụng đến khoản cứu trợ từ các nhà tài trợ quốc tế để cứu hệ thống ngân hàng của nước này, trong khi Slovenia cũng nhiều khả năng trở thành nước thứ sáu trong Eurozone phải xin cứu trợ để giải quyết vấn đề nợ công.

EC yêu cầu Tây Ban Nha phải thực hiện một chương trình cải cách "quyết định" trong tháng này vì cho rằng sự mất cân bằng về nợ, tỷ lệ thất nghiệp cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp đang gây ra những tổn hại trong dài hạn khi có đến hơn một nửa số thanh niên dưới 25 tuổi ở nước này không có việc làm.

Theo EC, 11 nền kinh tế EU khác hiện cũng đang đối mặt với sự "mất cân bằng kinh tế vĩ mô" ở mức độ thấp hơn Tây Ban Nha và Slovenia, là Bỉ, Bulgari, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hungary, Manta, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Anh.

Trong số đó, Pháp được EC xem là dễ bị tổn thương nhất, khi nợ công của nước này năm 2012 lên tới 90,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu.

Theo Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế Olli Rehn, Pháp là một nước quan trọng, xét cả về quy mô lẫn vị trí địa-kinh tế, do đó "sức khỏe" của nền kinh Pháp có tác động trực tiếp tới kinh tế Eurozone./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục