Thế giới đã đi hết tháng đầu tiên của năm 2021, dường như mọi tiêu điểm của thị trường đều tập trung vào tiến triển của vắcxin phòng chống COVID-19 và tiến độ hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.
Nhiều nước đã triển khai tiêm vắcxin phòng COVID-19 và thị trường tin rằng việc vắcxin phòng COVID-19 được sử dụng rộng rãi sẽ giúp kinh tế đẩy nhanh tốc độ hồi phục, làm gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường tài chính. Tuy nhiên, trong khi nỗ lực nắm bắt thời cơ đến từ kỳ vọng kinh tế phục hồi, các nhà đầu tư cần phải phòng ngừa khả năng xảy ra bất ngờ để có thể làm tốt công tác quản trị rủi ro.
Theo tờ Economic Journal, trong năm 2021, ngoài việc phải phòng ngừa rủi ro dịch bệnh, các nhà đầu tư cũng phải cẩn trọng với các rủi ro khác như tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm khế ước vay nợ tăng cao, bất ổn địa chính trị và kỳ vọng quá cao vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Một là về rủi ro từ dịch bệnh. Hiện nay, tâm lý lạc quan về tiến triển của vắcxin phòng COVID-19 đang lan tỏa trên thị trường, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng rất khó dự đoán về mức độ phổ biến và hiệu quả thực tế của vắcxin phòng COVID-19.
Ví dụ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ dự kiến năm 2020 sẽ tiêm vắcxin cho 20 triệu người, nhưng tới cuối tháng Một vừa qua mới hoàn thành tiêm mũi 2 cho 3,3 triệu người, cách mục tiêu đề ra một khoảng cách khá xa.
Bên cạnh đó, tác dụng phụ của vắcxin có thể ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng. Ngoài ra, người ta vẫn chưa thể biết vắcxin hiện nay có hiệu quả đối với các biến chủng mới hay không. Tất cả đều là nhân tố không rõ ràng đối với thị trường.
[Chủ tịch EC cảnh báo về sự chậm trễ trong quá trình sản xuất vắcxin]
Nếu mức độ phổ biến và hiệu quả vắcxin không như kỳ vọng, dịch bệnh có thể trở lại, thậm chí còn khiến một số nước duy trì phong tỏa cục bộ, hoạt động kinh tế khó trở lại bình thường, biểu hiện thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ không như mong muốn.
Trong bối cảnh đó, một số cổ phiếu mang tính phòng thủ, trái phiếu chính phủ, vàng và các đồng tiền trú ẩn như đồng yen Nhật Bản sẽ một lần nữa trở thành công cụ lựa chọn hàng đầu để phân tán rủi ro. Các nhà đầu tư cũng nên phân chia đầu tư theo lượng thích hợp đối với từng loại tài sản trong danh mục nêu trên.
Hai là rủi ro vi phạm khế ước vay nợ. Năm ngoái, các quốc gia khác nhau đã đưa ra một số chính sách tiền tệ và biện pháp tài khóa quy mô lớn nhằm nâng cao tính thanh khoản của thị trường, giúp các ngành nghề vượt qua "mùa Đông kinh tế." Tuy nhiên, khi sự phục hồi kinh tế chậm lại, một số doanh nghiệp thực lực yếu sẽ khó có thể chịu nổi áp lực nợ gia tăng, khiến nguy cơ vỡ nợ tăng cao.
Theo số liệu của tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's, dự kiến đến tháng Chín năm nay, tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp tại Mỹ được đánh giá tín dụng ở mức BBB hoặc cao hơn sẽ tăng lên khoảng 9%, còn ở châu Âu, tỷ lệ này là 8%. Nguy cơ vỡ nợ gia tăng của các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ có liên quan đến việc dịch bệnh ở hai nơi này tiếp tục nghiêm trọng, cản trở sự phục hồi kinh tế.
Ngược lại, châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) là khu vực duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm ngoái. Hầu hết các thị trường ở châu Á đã hồi phục từ những mức giảm sâu trong thời gian đại dịch, tiêu dùng cũng ghi nhận xu hướng tốt. Dự kiến năm 2021, châu Á đứng trước cơ hội tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, nguy cơ doanh nghiệp vi phạm khế ước vay nợ cũng tương đối thấp, tiềm lực đầu tư sẽ cao hơn.
Ba là rủi ro địa chính trị. Tình hình chính trị toàn cầu năm 2021 cũng có nhiều nhân tố bất ổn. Mặc dù chính phủ mới đã lên nắm quyền lãnh đạo ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống gay cấn nhất lịch sử, nhưng những thay đổi và định hướng chính sách tiềm năng sẽ khó có thể rõ ràng trước cuối năm nay.
Sau khi Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), việc hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế của Anh lẫn EU, vấn đề này vẫn cần phải quan sát. Ngoài ra, trong năm nay và năm sau, Đức và Pháp sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Nói cách khác, tình hình chính trị không rõ ràng chắc chắn sẽ gia tăng nhân tố không xác định đối với thị trường Âu-Mỹ.
Bốn là rủi ro từ việc đánh giá quá cao kết quả kinh doanh năm 2021 của doanh nghiệp. Nhìn chung, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2021 đã được điều chỉnh tăng. Báo cáo kinh doanh của không ít doanh nghiệp công bố trước đó cũng cho kết quả khả quan khiến thị trường tràn đầy kỳ vọng về kết quả kinh doanh trong năm 2021.
Nhưng nếu kết quả thực tế không như kỳ vọng phổ biến trên thị trường, thử thách tinh thần của các nhà đầu tư sẽ xuất hiện, cho nên, các nhà đầu tư cần lưu ý và chuẩn bị cho khả năng này.
Nói tóm lại, thị trường đang lạc quan một cách thận trọng về tiến triển của vắcxin phòng COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, do dịch bệnh tái phát và tình hình chính trị khó lường, các nhà đầu tư nên tập trung vào các khu vực kinh tế phục hồi nhanh hơn và tiềm lực tăng trưởng của doanh nghiệp cao hơn, đa dạng hóa tài sản để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn nêu trên.
Hiện nay, triển vọng phục hồi ở châu Á tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, Quy hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 chỉ rõ nước này sẽ tăng cường tự chủ về công nghệ trong nước đồng thời mở cửa hơn nữa thị trường vốn.
Đồng thời, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ kích thích các hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực, thiết lập một chuỗi cung ứng mới trong ASEAN. Do đó, cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường châu Á có thể giúp các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận ổn định để chống lại sự biến động, trong khi vẫn theo đuổi sách lược đầu tư "lợi nhuận cao, rủi ro lớn"./.