ECOWAS lên kế hoạch thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Guinea

Ngày 5/9 tại Guinea, nhóm binh sỹ do Trung tá Mamady Doumbouya dẫn đầu, đã bắt giữ hoặc giam lỏng Tổng thống Alpha Conde cùng các chính trị gia hàng đầu của chính quyền.
ECOWAS lên kế hoạch thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Guinea ảnh 1Các thành viên lực lượng đặc nhiệm quân đội Guinea tại thủ đô Conakry, ngày 6/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong ngày 8/9 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Guinea.

Trước đó, ngày 5/9, nhóm binh sỹ do Trung tá Mamady Doumbouya dẫn đầu, đã bắt giữ hoặc giam lỏng Tổng thống Alpha Conde cùng các chính trị gia hàng đầu của chính quyền.

Nhóm binh sỹ này sau đó giải tán chính phủ và xóa bỏ hiến pháp, đồng thời đóng cửa biên giới, ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Ngay sau đó, ECOWAS đã ra tuyên bố lên án vụ đảo chính, đồng thời yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông Conde.

Trong thông báo đưa ra ngày 7/9, Giám đốc truyền thông của Ủy ban ECOWAS, bà Sandra Oulate cho biết nhóm này dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào 14 giờ (giờ địa phương) ngày 8/9 để thảo luận tình hình của Guinea.

[Guinea: Các thành viên quân đội được đưa vào vị trí thống đốc các tỉnh]

Chỉ huy lực lượng đảo chính, ông Mamady Doumbouya đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết quốc gia, cũng như tạo ra một kỷ nguyên mới về quản lý nhà nước và phát triển xã hội. Tuy nhiên, ông này không giải thích rõ nội dung chi tiết hay đưa ra kế hoạch hành động cụ thể.

Hiện lực lượng đảo chính tại nước này đã đưa các thành viên quân đội vào nắm giữ nhiều vị trí thống đốc các tỉnh, đồng thời tuyên bố sẽ trả tự do cho những tù nhân chính trị, bị bắt giữ dưới thời của Tổng thống Conde, cũng như nhắc lại cam kết đàm phán để thành lập 1 chính phủ mới.

Vẫn chưa rõ cựu Tổng thống Conde đang bị giam giữ ở đâu, song lực lượng đảo chính khẳng định đảm bảo an toàn cho ông.

Đây là vụ chính biến thứ 3 xảy ra tại Tây và Trung Phi kể từ tháng Tư vừa qua. Các lãnh đạo Tây Phi đã cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt sau khi nhóm binh sỹ này thực hiện vụ binh biến lật đổ Tổng thống Alpha Conde.

Hiện biên giới trên bộ và trên không của nước này đã được mở trở lại để phục vụ hoạt động thương mại và nhân đạo. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu, Pháp, cũng lên án vụ binh biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục