Ethiopia - quốc gia châu Phi thứ ba vỡ nợ trong nhiều năm qua

Ethiopia đã công bố ý định chính thức vỡ nợ vào đầu tháng này và trở thành quốc gia châu Phi thứ 3 vỡ nợ trong nhiều năm qua, sau khi không khoản thanh toán trái phiếu quốc tế trị giá 33 triệu USD.

Người dân sơ tán tránh bạo lực tại một trường học ở Mekele, thủ phủ khu vực Tigray, Ethiopia ngày 19/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân sơ tán tránh bạo lực tại một trường học ở Mekele, thủ phủ khu vực Tigray, Ethiopia ngày 19/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/12, Ethiopia đã trở thành quốc gia châu Phi thứ ba vỡ nợ trong nhiều năm qua, sau khi nước này không thực hiện khoản thanh toán trái phiếu quốc tế trị giá 33 triệu USD của mình.

Trước đó, Ethiopia đã công bố ý định chính thức vỡ nợ vào đầu tháng này. Khoản thanh toán ban đầu đáo hạn vào ngày 11/12 vừa qua, có thời gian ân hạn kỹ thuật kéo dài đến ngày 26/12, nhờ điều khoản 14 ngày trong thỏa thuận trái phiếu trị giá 1 tỷ USD.

Các chủ sở hữu trái phiếu vẫn chưa được trả lãi tính đến cuối ngày 22/12 vừa qua, ngày làm việc cuối cùng của ngân hàng quốc tế trước khi hết thời gian ân hạn.

Ethiopia lần đầu tiên yêu cầu giảm nợ theo sáng kiến do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn đầu vào đầu năm 2021.

Các chủ nợ chính phủ thuộc khu vực chính thức của Ethiopia, bao gồm cả Trung Quốc, đã đồng ý một thỏa thuận đình chỉ dịch vụ nợ vào tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên, vào ngày 8/12 vừa qua, Chính phủ cho biết các cuộc đàm phán song song mà họ thực hiện với các quỹ hưu trí và các chủ nợ thuộc khu vực tư nhân khác nắm giữ trái phiếu của họ đã thất bại.

Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global sau đó đã hạ cấp xếp hạng trái phiếu này xuống mức "vỡ nợ" vào ngày 15/12 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục