EU-Anh phá vỡ thế bế tắc về Brexit liên quan đến Bắc Ireland?

Anh đã rời EU vào năm ngoái, nhưng kể từ đó, quốc gia này đã ngừng thực hiện một số hoạt động kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh mà nước này có nghĩa vụ thực hiện.
EU-Anh phá vỡ thế bế tắc về Brexit liên quan đến Bắc Ireland? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic ngày 15/11 cho biết ông tin tưởng Anh và Liên minh châu Âu (EU) có thể phá vỡ thế bế tắc về các thỏa thuận thương mại hậu Brexit đối với Bắc Ireland nếu London can dự vào các vấn đề tồn đọng.

Tuần trước, Anh và EU đã nhất trí tăng cường nỗ lực giải quyết các vấn đề xung quanh nghị định thư Bắc Ireland.

EU hoan nghênh "sự thay đổi trong giọng điệu" từ London, mặc dù Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost nói rằng vẫn còn "khoảng cách đáng kể."

[EU và Anh cần thời gian để đàm phán về Nghị định thư Bắc Ireland]

Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Sefcovic cho hay cuộc gặp vào tuần trước với Bộ trưởng Frost "tốt hơn nhiều" so với các cuộc thảo luận trước đó. Tuy nhiên, ông Sefcovic bày tỏ vẫn lo lắng về "lời lẽ và hành động" của Chính phủ Anh liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận, đặc biệt là nghị định thư về Ireland và Bắc Ireland.

Tại cuộc gặp với một ủy ban của Quốc hội Ireland, Phó Chủ tịch EC nói: “Nếu các đối tác của chúng tôi ở Vương quốc Anh can dự thì tôi hy vọng tuần này chúng ta sẽ thấy kết quả nhiều hơn. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có thể giải quyết tất cả các vấn đề đang gây khó khăn trên thực địa."

Về phần mình, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng sự thay đổi trong giọng điệu cho thấy có một "cơ hội thực sự" trong vài tuần tới để tìm cách thỏa hiệp.

Anh đã rời EU vào năm ngoái, nhưng kể từ đó, quốc gia này đã ngừng thực hiện một số hoạt động kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh mà London có nghĩa vụ phải thực hiện theo "thỏa thuận ly hôn."

Anh cho rằng các biện pháp kiểm soát không cân xứng và làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Bắc Ireland, gây nguy hiểm cho thỏa thuận hòa bình năm 1998./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục