EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Afghanistan sau năm 2014

EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Afghanistan về an ninh sau khi lực lượng đa quốc gia do NATO đứng đầu rút khỏi quốc gia này vào năm 2014.
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Afghanistan sau năm 2014 ảnh 1Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014. (Nguồn: hqdestop.net)

Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan về vấn đề an ninh sau khi lực lượng đa quốc gia do Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá này vào năm 2014.

Đây là tuyên bố ngày 7/11 của Đại sứ Franz-Michael Skjold Mellbin, Đại diện đặc biệt của EU, người đứng đầu Phái bộ EU tại Afghanistan.

Trong buổi trình quốc thư lên Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Đại sứ Skjold Mellbin nhấn mạnh EU sẽ giữ vững cam kết với quốc gia này trong thập kỷ chuyển tiếp lâu dài (2015-2024), thông qua một cách tiếp cận toàn diện, đảm bảo sự hài hòa giữa các lĩnh vực an ninh, phát triển và chính trị.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc bầu cử sắp tới, mở đường cho mối quan hệ đối tác EU-Afghanistan.

Trưởng phái bộ EU tại Afghanistan cho rằng cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương vào năm sau sẽ là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu lần đầu tiên Afghanistan có một sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho nền dân chủ.

Đại sứ Melbin cũng bày tỏ hy vọng tiếp tục quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa EU và Chính phủ Afghanistan, tiến tới xây dựng hòa bình, ổn định và sự tiến bộ tại quốc gia Nam Á này.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Karzai, Đại sứ Melbin cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Thỏa thuận Hợp tác cho quan hệ đối tác và phát triển (CAPD), văn kiện được coi là hiệp định khung cho quan hệ EU-Afghanistan trong 10 năm tới.

Trong một diễn biến liên quan khác, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nhận định rằng việc Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) rút quân khỏi Afghanistan sẽ không phải là một "thảm họa" đối với tình hình an ninh của quốc gia này.

Tổng Thư ký CSTO Nikolai Bordyuzha đưa ra nhận định trên sau cuộc hội đàm với Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier.

Tuy nhiên, ông Bordyuzha thừa nhận rằng quá trình rút quân của ISAF có thể sẽ kéo theo một số tác động tiêu cực nhất định đối với an ninh của Afghanistan nói riêng và tại Trung Á nói chung.

Lãnh đạo hai tổ chức an ninh trên cũng thảo luận những biện pháp phối hợp hành động ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra tại Afghanistan sau năm 2014, thời điểm mà lực lượng ISAF hoàn thành việc rút binh sĩ.

Theo ông Zannier, nhiệm vụ trên bao trùm trên diện rộng, do vậy không một tổ chức hay quốc gia nào có thể tự đảm nhận trách nhiệm một mình.

Được thành lập vào năm 2003, CSTO là một tổ chức khu vực quốc tế bao gồm 7 nước thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục