EU cạnh tranh với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước tỏ ra hoài nghi về sáng kiến “Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra một kế hoạch cho khu vực châu Á.
EU cạnh tranh với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: euobserver)

AFP đưa tin, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước tỏ ra hoài nghi về sáng kiến “Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra một kế hoạch cho khu vực châu Á.

Kế hoạch này có tên gọi "Chiến lược kết nối châu Á" được quảng bá là có thể thay thế BRI và không khiến các nước tham gia chìm trong những khoản nợ mà họ không thể trả.

Mục đích của "Chiến lược kết nối châu Á" là cải thiện mạng lưới năng lượng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc kỹ thuật số, đồng thời cổ vũ việc bảo vệ môi trường và tôn trọng chuẩn mực lao động.

Các nước thành viên EU dự kiến sẽ ký kế hoạch này đúng vào thời điểm diễn ra một hội nghị thượng đỉnh lớn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á vào tháng tới.

Brussels nhấn mạnh rằng kế hoạch này của EU không nhằm đối chọi với bất kỳ nước nào cụ thể, song có thể nhận thấy EU đưa ra "Chiến lược kết nối châu Á" đúng vào thời điểm ánh hào quang của BRI - vốn vẽ ra viễn cảnh hạ tầng cơ sở, đường sá, cảng biển, tuyến xe lửa được xây dựng khắp thế giới bằng hàng tỷ USD tiền vay từ Trung Quốc - đang dần nhạt phai.

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU là Federica Mogherini cho biết các cuộc thảo luận đã kéo dài nhiều tháng giữa EU và một số quốc gia châu Á “quan tâm đến kế hoạch của châu Âu.”

[Trung Á và Đông Âu có rơi vào "bẫy" sáng kiến "Vành đai và Con đường"?]

Trả lời báo chí, bà Mogherini khẳng định mục đích của châu Âu là tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, sao cho có lợi đối với các nước sở tại.

Chiến lược mới này được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU đưa ra một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn cho phù hợp với ảnh hưởng kinh tế của khối, đối phó với không chỉ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn cả với sự can dự của Trung Quốc ở châu Phi cũng như châu Á.

Maaike Okano-Heijmans, chuyên gia về quan hệ Á-Âu thuộc Viện nghiên cứu Clingendael của Hà Lan, đánh giá đây là bước đi “rất quan trọng” sau khi châu Âu bị chỉ trích là quá chậm chạp trong việc đối phó với quyền lực mềm của Trung Quốc trong thời gian qua.

Trao đổi với AFP, chuyên gia này nói: “Chúng ta không thể chỉ trích EU là không có tầm nhìn nữa. Thách thức bây giờ là làm thế nào để biến kế hoạch này thành một cái gì đó thực chất để các quốc gia có thể lựa chọn bởi vì một kế hoạch như vậy đòi hỏi rất nhiều tiền, mà không ai có thể cạnh tranh với tiền của Trung Quốc.”

Đầu tháng Chín vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết thương mại của Trung Quốc với các nước tham gia BRI đã vượt mức 5.000 tỷ USD, trong đó có hơn 60 tỷ USD đầu tư trực tiếp.

Thế nhưng, một số nước đã bắt đầu đặt câu hỏi: Phải chăng những ràng buộc gắn với các món tiền vay đang biến thành một gánh nặng chứ không phải là một mối lợi? Trong khi đó, "Chiến lược kết nối châu Á" của EU nhấn mạnh đến những “chuẩn mực cao về môi trường và lao động” và tính chất vừa phải về mặt tài chính của các dự án hạ tầng cơ sở.

Điều này dường như nhắm vào BRI của Trung Quốc - sáng kiến đang bị cho là đã tạo ra bẫy nợ đối với những nước tin vào sự hào phóng của Trung Quốc.

EU cạnh tranh với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc ảnh 2Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 30/4 vừa qua. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Nỗi lo ngại này có vẻ có cơ sở khi vào năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải cho Trung Quốc thuê trong 99 năm cảng biển chiến lược của mình vì không thể trả nổi khoản nợ 1,4 tỷ USD cho dự án.

Tháng Tám vừa qua, đến lượt Malaysia tuyên bố dừng 3 dự án mà Bắc Kinh tài trợ, trong đó có đề án đường xe lửa trị giá 20 tỷ USD.

Còn Pakistan, cho đến gần đây rất hứng thú đón nhận tiền của Trung Quốc, nay đã cam kết minh bạch hơn trước dư luận do lo ngại khả năng không trả được nợ.

Về an ninh mạng, Philippe Le Corre thuộc Chương trình Á-Âu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nói với AFP rằng một khi an ninh mạng trở thành vấn đề cân nhắc quan trọng đối với các chính phủ trên khắp thế giới, việc EU nhấn mạnh đến tính minh bạch có thể rất cần thiết nếu tham gia “Con đường Tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc.

Theo ông, về cơ bản nó cho phép các công ty viễn thông Trung Quốc xây dựng hạ tầng cơ sở ở những quốc gia này, cho quyền tiếp cận và truy cập các nền tảng thương mại điện tử và các cổng thông tin điện tử hay bất cứ thứ gì liên quan đến kỹ thuật số.

“Về lâu dài, bạn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc và có thể không có lựa chọn thay thế," Le Corre nói.

Theo Le Corre, một số nước đang bắt đầu nhận ra điều đó: "Thật không tốt khi đặt tất cả trứng vào một giỏ và việc phụ thuộc vào đế chế Trung Quốc sẽ là một rủi ro lớn, chắc chắn họ sẽ kiểm soát công nghệ và thông tin"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục