EU chi 15 triệu euro giúp ASEAN lập thị trường chung

Liên minh châu Âu sẽ dành 15 triệu euro để giúp ASEAN hỗ trợ các nước thành viên xây dựng một thị trường chung vào năm 2015.
Các phương tiện thông tin đại chúng Indonesia ngày 1/3 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ dành 15 triệu euro (khoảng 20,7 triệu USD) giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN xây dựng một thị trường chung vào năm 2015.

Quan hệ hợp tác mới được thành lập giữa hai bên có tên "Chương trình hỗ trợ hội nhập kinh tế ASEAN-EU (AEISP)" này được tuyên bố tại Hội thảo "ASEAN và EU: 20 năm kể từ hiện tại - Hai thị trường hội nhập" diễn ra cùng ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Hội thảo trên đánh dấu việc hoàn tất giai đoạn 2 của "Chương trình hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN-EU" (APRIS) đã được triển khai tại Indonesia từ năm 2006.

Trong diễn văn khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố trong tám năm qua, chương trình hỗ trợ APRIS của EU dành cho ASEAN đã thành công tốt đẹp. Giai đoạn tiếp theo của APRIS mở ra một chương mới mang tính khích lệ trong sự hợp tác kinh tế với EU.

Cá nhân Tổng Thư ký ASEAN luôn mong đợi đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác với EU trong xúc tiến hội nhập kinh tế. Ông Surin Pitsuwan nhấn mạnh hội nhập kinh tế khu vực sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho "công dân ASEAN" như giá cả hàng hóa rẻ hơn, tạo nhiều cơ hội về việc làm, mức sống được nâng cao, mức thuế ưu đãi hơn và tạo ra môi trường kinh tế mang tính cạnh tranh hơn.

Đại diện của EU bên cạnh Ban Thư ký ASEAN, Đại sứ Julian Wilson phát biểu rằng EU cũng có lợi ích khi hợp tác với ASEAN trong những năm qua. Mối liên hệ kinh tế và giữa nhân dân của EU và ASEAN đã không ngừng phát triển trong quá khứ. Chính hai mối liên hệ này là cơ sở phát triển quan hệ EU-ASEAN trong tương lai.

APRIS giai đoạn 2 được triển khai ở Indonesia trong tám năm qua với khoản trợ giúp 10 triệu euro, tập trung vào việc giúp ASEAN phát triển những thỏa thuận quan trọng, triển khai những cơ chế hướng tới đơn giản hóa trao đổi thương mại, loại bỏ những rào cản thuế quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Chương trình APRIS cũng giúp củng cố năng lực tổ chức của Ban Thư ký ASEAN, đặc biệt bằng "Cơ chế Tăng cường Giải quyết Xung đột." Thông qua những đối thoại về chính sách tài chính và những chuyến đi nghiên cứu ở châu Âu, chương trình APRIS cũng góp phần xây dựng những mạng lưới các chuyên gia hoạch định chính sách ASEAN-EU và cả đội ngũ những người thực tập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục