EU coi khí đốt là "con bài" để xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ

Khí đốt cùng với đậu tương đứng đầu danh sách những mặt hàng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn EU tăng cường nhập khẩu trong cuộc thảo luận với Chủ tịch EC.
EU coi khí đốt là "con bài" để xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Báo chí Anh nhận định khí đốt dường như đang trở thành “con bài” quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc làm dịu căng thẳng thương mại với Mỹ.

Khí đốt cùng với đậu tương đứng đầu danh sách những mặt hàng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn EU tăng cường nhập khẩu trong cuộc thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hồi tháng Bảy vừa qua.

Giới phân tích cho rằng danh sách này nằm trong chiến lược của ông Trump là dùng thuế nhập khẩu để đạt được sự nhượng bộ từ các đối tác thương mại.

[Tổng thống Trump muốn EU và Mỹ dỡ bỏ thuế thương mại nhằm vào nhau]

Các cuộc đàm phán thương mại quan trọng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/8 tới, nhằm tháo gỡ cũng như ngăn chặn nguy cơ leo thang các biện pháp trả đũa trị giá hàng tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu mà Mỹ và EU áp đặt trong những tháng gần đây.

EC cho hay EU sẽ tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) từ Mỹ để đa dạng hóa cũng đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong điều kiện thị trường phù hợp và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, EC cũng đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải giảm bớt rào cản trong buôn bán khí đốt.

Về phía Mỹ, cơ hội tiềm năng cho các công ty xuất khẩu LNG là khá lớn, bởi EU hiện nhập khẩu tới 70% nhu cầu LNG và tỷ trọng này tiếp tục gia tăng. Từ năm 2016 đến nay, LNG nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 10% tổng lượng LNG nhập khẩu vào thị trường EU.

Nguồn năng lượng này cũng từng là tâm điểm gây căng thẳng trong cuộc họp NATO hồi tháng trước, khi Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích gay gắt đường ống dẫn khí đốt Nordstrom II giữa Đức-Nga, mà ông cho là Đức đang “chịu sự kiểm soát hoàn toàn bởi Nga," do phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục