Ngày 5/11, Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, đồng thời cảnh báo nhu cầu ở các thị trường mới nổi có thể không mạnh như dự đoán và chiều hướng thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng.
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế ở khu vực 17 nước sử dụng đồng euro sẽ giảm xuống 1,1% trong năm 2014, giảm so với mức dự báo 1,2% đưa ra hồi tháng Năm. Cũng theo EC, tốc độ tăng trưởng này sẽ tăng lên thành 1,7% trong năm 2015.
Những con số dự báo về tốc độ tăng trưởng ở Eurozone cho thấy sự phục hồi kinh tế ở khu vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thua xa con số tăng trưởng 1,3% trong năm 2013, 2,2% trong năm 2014 và 2,4% trong năm 2015 ở Anh, một quốc gia thành viên EU nhưng không nằm trong Eurozone.
So với Mỹ, sự chênh lệch càng thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới được dự đoán tăng lần lượt là 1,6%, 2,6% và 3,1%.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cho rằng, việc củng cố tài chính và tiến hành cải tổ cơ cấu trong EU đã tạo nền tảng cho sự phục hồi nhưng vẫn còn "quá sớm để tuyên bố chiến thắng."
Trước đó, EC đã bày tỏ lo ngại về những bất trắc liên quan tới chính sách tài chính và vấn đề nợ công ở Mỹ, cũng như những nguy cơ ngày càng lớn từ các thị trường mới nổi.
Theo đánh giá của EC, trong giai đoạn hiện nay, các nước như Nga và Trung Quốc cần phải thay đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư, để thay vào đó bằng mô hình phát triển dựa vào sự gia tăng nhu cầu ở trong nước.
Về vấn đề thất nghiệp, EC cảnh báo tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trong hơn khi tỷ lệ người không có việc làm trong năm 2014 sẽ lên đến 12,2%, chứ không phải 12,1% như dự báo ban đầu. Nếu tính về giá trị tuyệt đối, số người thất nghiệp trong Eurozone sẽ có thể lên tới con số 20 triệu.
Cũng theo EC, sự phục hồi khiêm tốn còn gây ra những rắc rối khác, đặc biệt đối với ngành tài chính công của các nước thành viên do thu nhập từ thuế khó tăng lên. Điển hình là Pháp và Tây Ban Nha có thể một lần nữa không đáp ứng được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới mức trần 0,3% GDP vào năm 2016 như đã thỏa thuận với EU.
EC dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm nay có thể lên đến 4,1%, trước khi giảm xuống 3,8% trong năm tới và 3,7% trong năm tiếp theo. Khu vực tài chính công của Tây Ban Nha thậm chí còn gặp khó khăn nhiều hơn, cho dù đã áp dụng nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Dự đoán, thâm hụt ngân sách của Xứ sở Bò tót sẽ lên đến 5,9% trong năm 2014 và tăng lên 6,6% trong năm 2015.
Trong khi đó, kinh tế Hy Lạp - sau hai lần được nhận gói cứu trợ vỡ nợ - đang có những dấu hiệu sẽ thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài sáu năm, mặc dù vẫn đang phải đàm phán với "bộ ba" chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cách thức quản lý kinh tế và các biện pháp phải thực hiện để đổi lấy việc được nhận cứu trợ.
Tại Slovenia và Cộng hòa Cyprus, tình hình kém khả quan hơn khi cả hai nước này được dự báo vẫn chưa thoát khỏi suy thoái trong năm tới. Riêng với Cộng hòa Cyprus, kịch bản tốt nhất có thể xảy ra là nước này sẽ không còn phải xin cứu trợ vỡ nợ với điều kiện phải tiến hành cải cách một cách triệt để, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng./.