EU khiếu nại WTO khúc mắc với Trung Quốc về bằng sáng chế công nghệ

Liên minh châu Âu cáo buộc Trung Quốc ngăn cản các công ty công nghệ châu Âu sử dụng các tòa án quốc tế trong bảo vệ bằng sáng chế của họ.
EU khiếu nại WTO khúc mắc với Trung Quốc về bằng sáng chế công nghệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khúc mắc với Trung Quốc liên quan vấn đề bằng sáng chế công nghệ, cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản các công ty công nghệ châu Âu sử dụng các tòa án quốc tế trong bảo vệ bằng sáng chế của họ.

Trong một tuyên bố ngày 18/2, Phó Chủ tịch điều hành EU Valdis Dombrovskis nêu rõ: "Các công ty EU có quyền tìm kiếm công lý khi công nghệ của họ bị sử dụng một cách bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao ngày hôm nay chúng tôi tham vấn WTO."

Động thái này của EU đã đánh dấu một chương mới trong những căng thẳng thương mại giữa liên minh này và Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ song phương vốn "thuận buồm xuôi gió."

Hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại hay ôtô điện... đòi hỏi số lượng lớn các công nghệ được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc vi phạm các điều khoản về bằng sáng chế, hoặc áp đặt các hạn chế đối với các công ty cạnh tranh một cách bất công.

[Anh gia nhập làn sóng ủng hộ EU kiện Trung Quốc lên WTO]

Theo EU, kể từ năm 2020 đến nay, các tòa án ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều án phạt tài chính và những quyết định pháp lý khác gây bất lợi cho các công ty EU, buộc những công ty này phải đệ đơn kiện lên các tòa án trên khắp thế giới.

EU cho rằng các hành động pháp lý này tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Trung Quốc "có thể tiếp cận công nghệ của châu Âu với chi phí thấp, hoặc thậm chí là miễn phí."

Đơn khiếu nại của EU lên WTO chỉ rõ các công ty bị ảnh hưởng bởi chiến lược này của Trung Quốc bao gồm Conversant, Ericsson, InterDigital và Sharp.

Các cuộc "tham vấn" do EU mở ra là bước đầu tiên trong quá trình tranh tụng tại WTO. Nếu các cuộc tham vấn này thất bại trong vòng 60 ngày, EU có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm để phán quyết về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục