Anh gia nhập làn sóng ủng hộ EU kiện Trung Quốc lên WTO

Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu tham gia cuộc tham vấn với WTO với tư cách là bên thứ ba để đảm bảo chúng ta cùng nhau chống lại sự ép buộc kinh tế trong thương mại."
Anh gia nhập làn sóng ủng hộ EU kiện Trung Quốc lên WTO ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Anh Anne-Marie Trevelyan. (Nguồn: Reuters)

Anh sẽ cùng với Mỹ và Australia ủng hộ một vụ kiện thương mại của Liên minh châu Âu chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với cáo buộc Trung Quốc đang hạn chế thương mại đối với Litva, một động thái mà Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết sẽ phản đối "các hoạt động thương mại mang tính ép buộc."

EU đã đưa ra một tuyên bố tại WTO, cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) vào tháng trước, cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại phân biệt đối xử chống lại Litva mà họ cho là đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung EU.

Bộ trưởng Thương mại Anh Anne-Marie Trevelyan cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu tham gia cuộc tham vấn với WTO với tư cách là bên thứ ba để đảm bảo chúng ta cùng nhau chống lại sự ép buộc kinh tế trong thương mại.”

[Australia kiện Trung Quốc lên WTO nhằm thúc đẩy đàm phán song phương]

Mỹ, Australia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) báo hiệu rằng họ có ý định tham gia các cuộc tham vấn. Người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden "quan ngại sâu sắc" trước các hành vi thương mại phân biệt đối xử của Trung Quốc đối với hàng hóa của Litva và hàng hóa của EU có liên quan tới Litva.

Ông Hodge cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Litva, EU, cũng như các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng để đẩy lùi hành vi ngoại giao và kinh tế mang tính cưỡng ép của Trung Quốc. Mỹ sẽ yêu cầu được tham gia các cuộc tham vấn này của WTO trong tinh thần đoàn kết với Lithuania và EU."

Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với quốc gia này. Vụ việc tại WTO cho phép các bên liên quan có thể trao đổi trong 60 ngày để đạt được thỏa thuận.

Nếu không đạt được thỏa thuận nào, EU có thể lựa chọn việc “châm ngòi” một cuộc tranh chấp chính thức và thành lập một ban hội thẩm của WTO để xem xét các tuyên bố chống lại Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục