EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về các mặt hàng gỗ

Về các mặt hàng gỗ, EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong khối EU, các quốc gia quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bao gồm Anh, Đức, Pháp.
EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về các mặt hàng gỗ ảnh 1Sản xuất đồ gỗ nội thất gia dụng cao cấp xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Về các mặt hàng gỗ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của các nước EU hiện đạt khoảng 1/4 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu.

Thông tin này vừa được đưa ra tại “Hội thảo thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam-EU: Thực trạng và xu hướng,” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends đồng tổ chức sáng nay (18/12), tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), EU là thị trường chủ lực để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ.

Cụ thể, năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 703 triệu USD. Chỉ riêng trong 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đạt gần 442 triệu USD.

Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012-2014 bình quân đạt 2,2%/năm.

Trong khối EU, các thị trường quan trọng nhất đối với thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bao gồm Anh, Đức, Pháp. Kim ngạch từ 3 thị trường này chiếm 2/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào khối EU.

Nhóm mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào EU là đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, phòng ăn và đồ nội thất văn phòng. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang EU như đồ lưu niệm, khung tranh, khay sơn mài, tay vịn cầu thang và một số sản phẩm khác.

Mặt khác, EU cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Năm 2014, giá trị kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ EU vào Việt Nam đạt 171,8 triệu USD. Trong 8 tháng đầu 2015, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ EU vào Việt Nam đạt trên 111,2 triệu USD.

EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về các mặt hàng gỗ ảnh 2Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ để xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Các loại sản phẩm nhập khẩu chủ yếu bao gồm gỗ xẻ, gỗ tròn, vơ nia và gỗ dán. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ EU được chế biến và xuất khẩu ngược trở lại EU và các thị trường được coi là nhạy cảm về môi trường như Mỹ, Canada. Một lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ EU được sử dụng tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và EU vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Các rủi ro liên quan đến nguồn nguyên liệu, khi nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ trong khuôn khổ của Quy định Gỗ của EU (EUTR).

Ông Phúc cũng cho biết, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT), Chính phủ Việt Nam hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA).

Trong tương lai khi Hiệp định được ký kết Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những cơ chế chính sách chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU là hợp pháp.

Cùng với đó, quá trình hội nhập sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường cho các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Song, để biến hội nhập thành cơ hội cho ngành chế biến đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những thay đổi tích cực, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của hội nhập.

“Các yêu cầu này có liên quan trực tiếp đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng lao động hợp pháp và đảm bảo an toàn lao động, tuân thủ các quy định về môi trường, sở hữu trí tuệ và tuân thủ các quy định có liên quan đến thuế và phí. Giảm thiểu và loại bỏ rủi ro, trong đó bao gồm cả các rủi ro có liên quan đến nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là cơ chế hiệu quả nhằm biến hội nhập thành cơ hội cho doanh nghiệp,” ông Phúc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục