EU siết chặt kiểm tra an ninh các du khách được miễn thị thực

Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/6 đã nhất trí ủng hộ đề xuất áp dụng quy chế kiểm soát an ninh mới đối với khu vực miễn thị thực nhập cảnh Schengen.
EU siết chặt kiểm tra an ninh các du khách được miễn thị thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Fly Aeolus)

Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/6 đã nhất trí ủng hộ đề xuất áp dụng quy chế kiểm soát an ninh mới đối với khu vực miễn thị thực nhập cảnh Schengen, trong đó các du khách được miễn thị thực sẽ phải trải qua khâu kiểm tra trực tuyến trước khi đến.

Đề xuất này sẽ cần có sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu (EP).

Đề xuất trên, gọi là ETIAS, được soạn thảo dựa trên một hệ thống của Mỹ, qua đó cho phép các nước EU nhanh chóng kiểm tra giấy tờ tùy thân và nhiều chi tiết khác tđối với các du khách được miễn thị thực, dựa trên một máy chủ lưu trữ các cơ sở dữ liệu. 

[Kiểm tra nhân thân công dân EU tại biên giới khu vực Schengen]

Theo đề xuất mới này, những người nộp đơn xin miễn thị thực nhập cảnh vào khu vực Schengen gồm 26 nước (22 quốc gia EU cùng Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein), sẽ phải thanh toán mức phí 5 euro (5,6 USD) theo hình thức điện tử để có thể nhập cảnh nhiều lần trong hơn 3 năm, đồng thời phải tuân thủ quy trình kiểm tra an ninh.

Việc áp dụng quy định trả phí sẽ được thực hiện sau khi Anh chính thức rời EU. 

Các ý kiến ủng hộ bày tỏ hy vọng đề xuất sẽ được thông qua và có hiệu lực sớm nhất vào năm 2020.

Malta, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, ra tuyên bố nhấn mạnh ETIAS sẽ góp phần tăng cường an ninh và bảo vệ các công dân châu Âu. 

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực siết chặt kiểm soát an ninh sau khi nhiều thành phố lớn tại châu Âu rung chuyển bởi hàng loạt vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận tiến hàng, cũng như tìm giải pháp đối phó với làn sóng nhập cư trái phép.

Hiện công dân gần 60 quốc gia không cần xin thị thực nhập cảnh vào khu vực Schengen, trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Brazil, Chile, Argentina, cùng các nước láng giềng của EU như Albania, Bosnia-Herzegovina.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục