EU ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

EU phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương gây phương hại tới an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
EU ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 21/11, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong tuyên bố, EU tái khẳng định phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.

EU đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp.”

[Nhật Bản phản đối hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông]

EU ủng hộ tiến trình do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Quy tắc này phải hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời không gây phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.

UNCLOS 1982 được thông qua vào ngày 10/12/1982 và có hiệu lực vào ngày 16/11/1994. Sau Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia.

Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, UNCLOS 1982 đã thiết lập được một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của các nước, qua đó cung cấp cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục