Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết đến nay, Tổng công ty đã cơ bản thu xếp đủ vốn đầu tư cho giai đoạn 2017-2020.
Năm nay, EVN NPT có kế hoạch đầu tư 21.237 tỷ đồng, bao gồm 15.351 tỷ đồng vốn đầu tư thuần và 5.886 tỷ đồng vốn trả nợ gốc cùng lãi vay, tăng 8% so với năm 2016.
Để có đủ số vốn đầu tư này, Tổng công ty tập trung thu xếp các nguồn vốn vay ODA, các nguồn vốn vay thương mại nước ngoài được ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và trả vốn; chủ động, linh hoạt làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước để điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thị trường... để giảm chi phí tài chính, nâng cao hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá.
Theo EVN NPT, năm 2016, Tổng công ty đã ký hợp đồng tín dụng thu xếp vốn cho các dự án đầu tư xây dựng với tổng số tiền là 7.953 tỷ đồng; trong đó thu xếp vốn tín dụng trong nước là 1.133 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 6.820 tỷ đồng.
Tổng công ty đã giải quyết xong các khoản công nợ phải thu, phải trả quá hạn và đến hạn.
Đặc biệt trong năm 2016 tranh thủ thị trường tín dụng trong nước có nhiều thuận lợi, EVN NPT đã tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để giảm lãi biên các hợp đồng tín dụng đã ký xuống tối đa 2,8%/năm, điều chỉnh lãi suất cơ sở một số hợp đồng tín dụng đang áp dụng là bình quân của 5 ngân hàng về 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, tiết kiệm cho EVN NPT nhiều tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế đã đóng góp tích cực trong công tác thu xếp đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới.
Mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) tiếp tục được duy trì tốt và đã có những bước tiến đáng kể.
Trong năm 2016, Tổng công ty đã hoàn tất ký kết Hiệp định khoản vay Phân kỳ 3 vay vốn đồng tài trợ của ADB trị giá 231,31 triệu USD và KfW là 72,98 triệu USD; triển khai công tác thu xếp khoản vay Phân kỳ 4-ADB tương đương 160 triệu USD.
Đồng thời làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để sử dụng nguồn vốn dư tương đương 38 triệu USD; làm việc với đối tác Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) về chuẩn bị khoản vay mới 95 triệu EUR cho dự án “Lưới điện thông minh-Hiệu quả truyền tải điện” - giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, EVN NPT cũng tiếp tục triển khai các dự án thuộc Khoản vay 3 lưới điện đồng bộ Trung tâm nhiệt điện Thái Bình tương đương 86 triệu USD, chuẩn bị danh mục các tiểu dự án trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và WB cho phép bổ sung các tiểu dự án sử dụng vốn dư dự án TEP với tổng giá trị đề xuất khoảng 206,96 triệu USD.
Song song với việc thu xếp vốn cho các dự án lưới điện truyền tải, mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế là mục tiêu mà EVN NPT luôn hướng tới.
Theo đó, Tổng công ty tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác đối với các đối tác chiến lược, các nhà cung cấp, các công ty tư vấn, các Công ty điện lực, truyền tải điện trong khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác mới.
Đặc biệt, Tổng công ty đã thiết lập quan hệ hợp tác với công ty Truyền tải điện các nước: Rumani (Transelectrica), Bỉ (Elia), Đức (50Hertz) và Nga (FGC).
Nhờ thu xếp đủ vốn, năm 2016, Tổng công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước đến nay, đạt 19.944 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch EVN giao.
Theo ông Đặng Phan Tường, đối với các dự án lưới điện truyền tải phần lớn đều sử dụng vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế cần có sự bảo lãnh của Chính phủ và có giá trị lớn.
Vì vậy, để rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định khi phải trình EVN và Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và thỏa thuận (hoặc phê duyệt) Thiết kế kỹ thuật, Tổng công ty đã kiến nghị EVN và Bộ Công Thương cho phép chủ đầu tư được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu Tư vấn lập, thẩm tra Thiết kế kỹ thuật không phụ thuộc nguồn vốn và giá trị tổng mức đầu tư của dự án.
Mặt khác, ông Tường cũng cho rằng, với giá truyền tải điện hiện tại là 104 đồng/kWh (áp dụng kể từ ngày 01/01/2015), năm 2016 không được tăng giá truyền tải nên không thực hiện được việc phân bổ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2015 là 2.545 tỷ đồng.
Năm 2016, lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm là 378 tỷ đồng nhưng Tổng công ty chỉ phân bổ được 15 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lũy kế chưa phân bổ được tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 2.530 tỷ đồng.
Do vậy, để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính và giải quyết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo quy định, EVN NPT đã đề nghị EVN xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tăng giá truyền tải điện lên 116,29 đồng/kWh vào năm nay, tăng 11,82% so với mức hiện nay./.