FAO đẩy mạnh chống khai thác hải sản phi pháp

FAO nhấn mạnh việc khai thác hải sản trong các khu vực ngư trường không được phép vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất.
Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) ngày 22/11 đã kêu gọi các nước tăng cường cơ cấu và chiến lược để phát triển và thực hiện Hồ sơ Toàn cầu về các tàu đánh bắt, tàu vận tải đông lạnh và tàu cung cấp hậu cần trong ngành ngư nghiệp.

Việc làm trên nhằm tăng cường sự minh bạch trong cuộc chiến chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và đánh bắt trong các khu vực ngư trường không được phép (IUU).

FAO nhấn mạnh việc khai thác hải sản kiểu IUU vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với việc khai thác bền vững các nguồn hải sản mà cuộc sống của hàng chục triệu người trên thế giới vẫn phụ thuộc vào nó.

Đa số việc đánh bắt kiểu IUU xảy ra ở các vùng biển quốc gia và phần lớn nguồn hải sản đánh bắt được này đều được xuất khẩu. Quy mô đánh bắt bất hợp pháp này rất lớn, ước tính giá trị lên tới 10-23 tỷ USD mỗi năm.

Một trong những trở ngại lớn nhất cản trở cuộc chiến chống IUU là các nước thiếu thông tin căn bản để nhận biết tàu đánh bắt, quyền sở hữu tàu, cũng như việc kiểm soát và hành động.

Các tàu đánh bắt phi pháp có thể dễ dàng tránh được sự phát hiện của các cơ quan có thẩm quyền của các nước và quốc tế khi di chuyển tự do trên biển, thay đổi cờ phương tiện hoặc nhận dạng, thay đổi chủ tàu...

FAO nhấn mạnh xây dựng Hồ sơ Toàn cầu về tàu đánh bắt, tàu vận tải đông lạnh, tàu cung cấp hậu cần sẽ tăng cường minh bạch hơn về các loại tàu khai thác hải sản cũng như quốc tịch, giúp loại trừ khiếm khuyết thiếu thông tin.

Hồ sơ này sẽ là công cụ mạnh để tăng cường cuộc chiến chống IUU nhờ các cổng trực tuyến trên Internet cung cấp thông tin chính xác về nhận dạng tàu, năng lực, quyền sở hữu, hoạt động, lịch sử của các tàu đánh bắt, tàu vận tải đông lạnh, tàu cung cấp hậu cần. Hồ sơ toàn cầu này cũng tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác khai thác các nguồn hải sản hiệu quả, hợp pháp và bền vững hơn.

Các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thời thúc giục hoàn thành càng sớm càng tốt Hồ sơ Toàn cầu để các nước hòa nhập đường lối khai thác hải sản hợp pháp với sự linh hoạt trong hợp tác quốc tế trong ngành ngư nghiệp. Nhu cầu của các nước đang phát triển được đặc biệt lưu ý trong văn kiện này.

Các nước đang phát triển cũng yêu cầu FAO hợp tác chặt chẽ hơn để tăng cường năng lực đánh bắt và tham gia hợp tác đầy đủ trong ngành ngư nghiệp toàn cầu trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu hải sản ngày càng yêu cầu khắt khe hơn đối với các nước xuất khẩu hải sản về nguồn gốc đánh bắt hợp pháp của hải sản xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục