Flappy Bird đưa thế giới game trở về thời kỳ "bốn nút"

Tờ báo hàng đầu Mỹ Washington Post vừa có bài viết mới đề cập tới những bài học mà Flappy Bird mang lại cho ngành công nghiệp game toàn cầu. 
Flappy Bird đưa thế giới game trở về thời kỳ "bốn nút" ảnh 1

Sự kiện Flappy Bird của nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông gây sốt trên toàn thế giới vẫn tiếp tục là chủ đề bàn tán, dù tác giả đã rút nó khỏi các gian hàng trực tuyến. Tờ báo hàng đầu Mỹ Washington Post vừa có bài viết mới đề cập tới những bài học mà Flappy Bird mang lại cho ngành công nghiệp game toàn cầu.


Vietnam+ xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết này.

Một điều lý thú đã xảy ra trong thế giới trò chơi điện tử cho điện thoại di động trong tháng này.

Khi ngành công nghiệp này đang nỗ lực sáng tạo ra những trò chơi ngày càng tinh vi và phức tạp cho điện thoại di động, đồng thời tiến hành các chiến dịch quảng bá quy mô để phục vụ cộng đồng “game thủ” trên điện thoại ngày càng đông đảo, ứng dụng thu hút nhiều sự chú ý nhất đã đi hoàn toàn ra khỏi xu hướng chung: Nó có cách chơi đơn điệu, thậm chí là máy móc, không cốt chuyện, không qua màn và trở thành một cú “hit” toàn cầu mà không cần sự quảng bá có tính tổ chức.

Tất cả những điều đó sẽ khiến một số nhà phát triển trò chơi phải vò đầu bứt tai, nhưng trong khi chúng ta có thể không bao giờ giải thích được đầy đủ thành công của Flappy Bird, trò chơi thực sự mang tới những bài học cho các nhà sản xuất.

Trước hết, thiết kế không phức tạp của nó được coi là ưu điểm lớn với nhiều người, bao gồm cả tác giả trò chơi. Sự đơn giản là ưu tiên đầu tiên.

Nhà phát triển “Flappy Bird” Nguyễn Hà Đông nói anh muốn những trò chơi sơ đẳng và trở lại những ngày đầu của ngành công nghiệp này, một thứ “điện tử bốn nút” cho điện thoại di động. “Tôi thích nghệ thuật pixel, và nó tạo ra cảm giác gần gũi với tôi hơn nghệ thuật vector hiện đại,” Đông giải thích. Anh không phải là người duy nhất nghĩ như thế.

Trong cuốn sách in năm 2009 “A Casual Revolution” (tạm dịch: Cuộc cách mạng bình dân), nhà nghiên cứu trò chơi điện tử Jesper Juul đã viết rằng các trò chơi bình dân sẽ đặc biệt thu hút số đông người chơi và những người chơi điện tử, vì lý do này khác, sẽ ngừng chơi các trò quá phức tạp.

Các trò chơi được thiết kế quá tinh vi đòi hỏi những công nghệ và thiết bị đắt tiền, tiêu tốn thời gian, cảm xúc và sự hợp tác thì dễ hiểu là không dành cho tất cả mọi người. Đôi khi người ta chỉ thích những trò đơn giản, nhanh, dễ chơi và vui.

Những trò chơi điện tử như Bejeweled, Candy Crush, Tetris đã là những trò thành công nhất, vì chúng không cần nhiều thời gian và sự cam kết. Nhưng đó mới là một nửa của câu chuyện. Một phần trong sự thành công của Flappy Bird là nó mang tới thách thức mà người chơi cảm thấy thỏa mãn khi họ vượt qua được.

Trong một bài đăng trên blog về trò chơi này hôm thứ Tư tuần trước, Juul đã đánh giá kỹ hơn sức hút của Flappy Bird và nói trong khi trò chơi không hề dễ, nó được thiết kế rất thông minh và người chơi có thể nhanh chóng trở lại điểm mà họ đã thất bại. Một phần của sự hấp dẫn nằm ở chỗ người chơi biết rõ họ có thể cải thiện điểm số bằng cách nào và không mắc phải những lỗi cũ ra sao./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục