Gần 2 năm chống rác thải nhựa: Mục tiêu xanh đã lan tỏa khắp cộng đồng

Sau gần 2 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa, nhiều siêu thị đã cam kết không sử dụng túi nilon, nhiều tổ chức đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh...
Nhiều siêu thị đã cam kết sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều siêu thị đã cam kết sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau gần 2 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ như đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, sử dụng lá chuối bọc thực phẩm thay thế túi nilon đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về những kết quả nổi bật sau gần 2 năm triển khai phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động (năm 2019), tiến tới mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Chuyển từ “nhận thức” sang “hành động” mạnh mẽ

- Trước tiên xin ông cho biết những kết quả đã đạt được sau gần 2 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Có thể khẳng định những việc làm cụ thể, thiết thực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng nhân dân cả nước trong thời gian qua đã thu được thành quả hết sức khích lệ. Đầu tiên là phong trào đã có sự chuyển biến rõ nét từ “nhận thức” sang “hành động” của chính quyền các cấp và người dân trong hành động giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần và tăng cường tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Về mặt chính sách, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), trong đó có Điều 73 quy định cụ thể về hướng tới giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

[Giảm rác thải trong ‘mùa dịch’: Việc làm nhỏ cho ‘trận thắng lớn’]

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 công bố Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Kế hoạch hành động quốc gia đề ra mục tiêu đến đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025,” Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Với vai trò là cơ quan tổ chức lễ phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gương mẫu, đi đầu trong phong trào phòng chống rác thải nhựa (sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần); phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon” kêu gọi mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động hãy hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nylon sử dụng một lần.”

Gần 2 năm chống rác thải nhựa: Mục tiêu xanh đã lan tỏa khắp cộng đồng ảnh 1Sử dụng lá chuối bọc thực phẩm thay thế túi nilon ngày càng được nhiều siêu thị áp dụng. (Nguồn ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa hai cơ quan giai đoạn 2019-2025, với mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy.

Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế, các công ty dược, các nhà thuốc hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilong khó phân hủy. Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15/7/2019 về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành…

Đến nay, hầu hết các địa phương đều có chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động thường nhật và nhân dân.

Sử dụng lá chuối bọc sản phẩm thay thế dần túi nilon

- Vậy trong số những kết quả nổi bật nêu trên, đâu là điểm sáng mà ông tâm đắc nhất?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Tại các tỉnh, thành phố lớn, hầu hết các siêu thị đều đã cam kết không sử dụng túi nilon như: Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… và sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon.

Một số hãng hàng không đã cũng cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh chống rác thải nhựa, liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 40 doanh nghiệp lớn như TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… đã được thành lập để tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa; thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam.

Ngoài ra, với quyết tâm cao của các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà giáo dục cùng chung tay, vào cuộc phong trào đã và tiếp tục tác động mạnh mẽ đến cộng đồng và toàn xã hội. Với những kết quả đạt được, Việt Nam sẽ thành công trong phong trào chống rác thải nhựa và góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước cũng như xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

- Để cuộc chiến chống rác thải nhựa tiếp tục phát huy hiệu quả, tiến tới mục tiêu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có kế hoạch, đốn đốc thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thượng Hiền: Việc quản lý chất thải nhựa là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội.

Gần 2 năm chống rác thải nhựa: Mục tiêu xanh đã lan tỏa khắp cộng đồng ảnh 2Người dân có thể chọn đổi rác nhựa lấy gạo hoặc cây xanh để trồng trong nhà. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp. Đầu tiên là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nhằm hạn chế tác động của chất thải, nhất là chất thải nhựa tới môi trường; xây dựng các quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Luật cũng hướng tới việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nilon và chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế như túi đựng thân thiện môi trường, chai, lọ thân thiện môi trường; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa.

Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi nilon sang các loại túi giấy; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình./.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục