Gắn kết du lịch với phát triển làng nghề ở An Giang

Tỉnh An Giang triển khai 11 dự án làng nghề gắn với du lịch nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá.
Với trên 5,4 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch hàng năm và từ đầu năm 2012 đến nay số lượng du khách đã đạt gần 3,5 triệu người, tỉnh An Giang chủ động triển khai 11 dự án làng nghề gắn với du lịch nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở An Giang tiếp nối từ nhiều thế hệ, đến nay đã hình thành được 34 làng nghề, trong đó có 24 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, 14 làng nghề truyền thống đã tồn tại từ trên 50 năm như nghề rèn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), nghề dệt gấm Mỹ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (trên 100 năm), làng nghề mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới) xuất hiện từ giữa thế kỷ 18...

Trong vài năm trở lại đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng, xuất khẩu nhiều, được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như nghề dệt chiếu Uzu, mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, thắt bính lục bình.

Với nhiều loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp...trong quá trình gắn kết du lịch với phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trước mắt An Giang hình thành 6 điểm "gắn kết" gồm tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh; làng nhang Bình Đức (thành phố long Xuyên), Làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang (Tân Châu) gắn với Trung tâm du lịch cộng đồng Châu Phong; Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; Làng nghề mộc Chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái Cù lao Giêng.

Cùng với việc tổ chức ba lớp thủ công mỹ nghệ, tổ chức đoàn quảng bá tour du lịch cộng đồng tham quan các làng nghề, tổ chức tọa đàm “kết nối mạng lưới du lịch và cơ sở sản xuất hàng đặc sản và làng nghề truyền thống”..., Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh còn tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia 16 hội chợ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ quốc tế tại Campuchia và Lào, trong đó có hỗ trợ tiền thuê gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Không chỉ "gắn kết" sản phẩm làng nghề với các điểm du lịch, An Giang còn đưa sản phẩm vào quảng bá tiêu thụ trên 70 nhà hàng khách sạn trong và ngoài tỉnh để làm quà lưu niệm, trang trí khách sạn, làm khăn trải giường, túi đựng chìa khoá…

Từ gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp, An Giang đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 6.300 hộ dân với gần 20.000 lao động nông thôn có thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/tháng.

Giá trị sản xuất hàng năm từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu gần 300.000 USD.

Gắn kết du lịch với phát triển làng nghề giúp An Giang có thêm điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh./.

Thu Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục