Theo ông trùm làng điện ảnh Hàn Quốc, cơn sốt “Gangnam Style” đang lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới mới chỉ là sự khởi đầu cho một đợt sóng mới của văn hóa xứ kim chi. Xuất hiện tại Liên hoan Busan tuần trước, ông Jonathan H.Kim chia sẻ “Nếu bạn nhìn vào âm nhạc hay phim ảnh Hàn Quốc hiện nay, bạn sẽ thấy tất cả đều đang được làm theo chuẩn Hollywood.” “Còn có nhiều tầng lớp khán giả từ những nước khác nhìn vào Hàn Quốc và nhận xét rằng những giá trị của chúng tôi rất giống với nước họ.” Ông Kim là một nhà sản xuất danh tiếng trong làng điện ảnh Hàn Quốc với hơn 30 năm trong nghề. Năm bộ phim do ông tham gia sản xuất đã lọt vào danh sách 50 tác phẩm ăn khách nhất mọi thời tại Hàn Quốc, trong đó có cả bộ phim chiến tranh “Silmido” (2003) – tác phẩm đầu tiên đạt mốc hơn 10 triệu khán giả tại xứ kim chi. Bên cạnh công việc sản xuất phim, ông còn là cố vấn kinh doanh cho tập đoàn truyền thông CJ Entertainment & Media – hãng lớn nhất Hàn Quốc về sản xuất, đầu tư và phân phối phim. Ông còn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về ngành công nghiệp giải trí trong và ngoài nước. Kim chia sẻ với AFP: “Những bộ phim này rất dễ đưa ra nước ngoài bởi giá trị sản xuất của chúng rất cao. Ngoài ra chúng còn nói về niềm đam mê của người Hàn Quốc và cả tính thiếu kiên nhẫn của họ nữa. Nếu khán giả phải xem một phim dở, họ sẽ bỏ ngay ra khỏi rạp.” Ông Kim tin rằng sức mạnh của điện ảnh Hàn Quốc – và cả làng giải trí nước này trên toàn cầu – đã được bắt đầu từ năm 2003, với sự xuất hiện của những đạo diễn tài ba như Park Chan-Wook (phim “Oldboy”) và những serie truyền hình dài tập thành công như “Bản tình ca mùa đông.” “Rất nhiều thị trường coi phim Hàn Quốc như một phương án thay thế cho các bộ phim hạng B của Hollywood bởi chúng rẻ hơn và về mặt nội dung đã được kiểm chứng bởi có không ít lần chúng tôi được xướng tên tại các liên hoan phim.”
[Thế giới K-Pop sốc vì thành công của Gangnam Style]
Thế giới ngày càng chú ý hơn tới làng giải trí Hàn Quốc, nhất là sau những thành công mới đây của bộ phim siêu bom tấn “The Thieves” và điệu nhảy ngựa gây sốt toàn cầu “Gangnam Style” của rapper Psy. Video này đã gần đạt mốc 500 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau ba tháng trình làng. Âm nhạc Hàn Quốc (K-Pop) trong 10 năm qua cũng đã dần vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với khán giả toàn cầu, song những nhóm nhạc toàn hot boy, hot girl như Super Junior hay Girl’s Generation lại chưa bao giờ đạt được tới tầm của Psy.
[Thế giới K-Pop sốc vì thành công của Gangnam Style]
Thế giới ngày càng chú ý hơn tới làng giải trí Hàn Quốc, nhất là sau những thành công mới đây của bộ phim siêu bom tấn “The Thieves” và điệu nhảy ngựa gây sốt toàn cầu “Gangnam Style” của rapper Psy. Video này đã gần đạt mốc 500 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau ba tháng trình làng. Âm nhạc Hàn Quốc (K-Pop) trong 10 năm qua cũng đã dần vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với khán giả toàn cầu, song những nhóm nhạc toàn hot boy, hot girl như Super Junior hay Girl’s Generation lại chưa bao giờ đạt được tới tầm của Psy.
Liên hoan phim Busan là sự kiện điển ảnh lớn nhất châu Á (Nguồn: AFP)
Anh chàng 34 tuổi với vẻ ngoài mập mạp này đã xuất hiện trên hàng loạt sự kiện nổi tiếng của Mỹ, từ lễ trao giải MTV cho tới chương trình ăn khác “Saturday Night Live”. Theo ông Kim, thành công của Psy là bởi “anh ấy không hề cố gắng để được giống như Hollywood. Anh ấy thuần chất Hàn Quốc. Điều này khiến cho nhiều người đã định nghĩa lại về làn sóng Hàn Quốc.” Một năm kỉ lục Liên hoan phim Busan hồi đầu tháng 10 đã thu hút hàng loạt bộ phim được đánh giá cao của điện ảnh Hàn Quốc, từ “National Security", "A Werewolf Boy" cho tới "Nameless Gangster: Rules of Time". Đạo diễn Kim Ki-Duk với tác phẩm “Pieta” đã thành công rực rỡ khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Bộ phim “Pieta” đã nhận giải Sư tử Vàng tại LHP Venice – lần đầu tiên giải thưởng danh giá này được trao cho một tác phẩm Hàn Quốc. Bộ phim “The Thieves” (vừa được trình chiếu tại Việt Nam với cái tên “Đội quân siêu trộm) đã có hơn 13 triệu lượt người xem chỉ tính riêng tại Hàn Quốc và đạt doanh thu không tưởng 93 tỉ won (tương đương 84 triệu USD). Ông Choi Dong-Hoon, đạo diễn của siêu phẩm này nhận định: “Tôi tin rằng đợt sóng mới này mới chỉ đang bắt đầu mà thôi.” “Các bộ phim thương mại Hàn Quốc nhìn qua sẽ có những điểm chung, song nếu bạn nhìn nhận từng bộ phim một, bạn sẽ thấy chúng đều độc đáo. Câu chuyện phim thường rất lôi cuốn, mỗi nhân vật đều có những vấn đề rắc rối riêng. Tôi cho rằng điều này giống với bản chất người dân Hàn Quốc.” Với điện ảnh Hàn Quốc, năm nay là một năm đại thành công. Theo Cục điện ảnh nước này thông báo gần đây thì tính tới hết quý 2/2012, số lượng vé phim bán ra đã đạt con số 120 triệu và tăng hơn 20 phần trăm so với năm ngoái. Ông Choi khẳng định: “Tôi tin rằng phim Hàn Quốc đang ngày càng trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. Các đạo diễn đã đổ rất nhiều công sức để hoàn thiện tác phẩm và với tư cách một nhà làm phim, tôi rất thích xu hướng hiện tại của điện ảnh nước nhà và tin rằng khán giả cũng có suy nghĩ tương tự.”
Đạo diễn Kim Ki Duk giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice (Nguồn: AFP)
Không chỉ có những tên tuổi lớn, làng giải trí Hàn Quốc còn có những niềm hi vọng cho tương lai, điển hình như Lee Donku – đạo diễn trẻ đã đề cử cho giải New Currents tại LHP Busan. Đây là giải thưởng dành cho những nhà làm phim châu Á mới có lần đầu hoặc lần thứ hai đứng sau máy quay. Với chỉ vỏn vẹn 3.000 USD kinh phí song Lee đã làm ra bộ phim gay cấn “Fatal”, và dù không nhận được giải song anh vẫn rất tự hào vì đã được chú ý tới. Anh cũng gửi lời cảm ơn tới Psy vì đã giúp thế giới chú ý hơn tới Hàn Quốc: “Tôi rất thích ‘Gangnam Style’ và đồng bào tôi cũng vậy. Khi mà các nước khác cũng thích ca khúc này và có nhiều hứng thú với nó đến vậy, lẽ dĩ nhiên là các bộ phim Hàn Quốc cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn.” “Văn hóa Hàn Quốc còn được phổ biến thì càng có lợi cho chúng tôi”./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)