Ghi chép từ vùng "rốn lũ": Sứ mệnh của người giữ đất

Người dân vùng rốn lũ miền Trung năm nào cũng "gánh" trên vai những cơn bão kinh hoàng. Lũ đến cuốn đi tất cả công sức cả năm tích góp.

Con đường thẳng và đẹp còn hơn quốc lộ 1, bên vực có những hàng rào tín hiệu phản quang để tránh nguy hiểm… khiến ít ai tưởng tượng rằng, chỉ qua một đoạn ngắn, sẽ vào một vùng đất mà, chỉ một cơn mưa lũ cũng có thể biến thành một hòn đảo. Và, những người dân ở đó sẽ thành những Robinson hiện đại, hoàn toàn cô lập với bên ngoài.

Hòa Hải, (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là xã như vậy. Phía bên kia con đường, làng xóm có vẻ như vẫn bình yên, dù là cơn bão 10 và 11 vừa mới đi qua với sức mạnh là không hề nhỏ.

Những con bò, trâu đủng đỉnh nhẩn nha trên bãi cỏ. Những căn nhà vẫn đầy lãng mạn chất đồng quê để những người thành thị chán cảnh phồn hoa thầm mơ ước, cây cỏ xanh, và phù dung chuyển nhẹ từ sắc trắng sang màu hồng phớt.

Trời Thu đẹp đến nao lòng ở trên cao, có núi, có rừng nguyên sinh, có suối, có khe và không gian khô lạnh. Con dốc xuống cũng thoai thoải, chẳng hề có một cảm giác hụt hẫng để người ta nói đây đã là vùng trũng. Thế nhưng, mỗi đận lũ về, cả xã lại chìm trong nước.

Mà một năm, có đến mấy đận như vậy.  Bão lũ nhiều đến mức người ta đâm nhờn, chính vì vậy, không ai nghĩ rằng, cơn bão số 11 tuy Hòa Hải không phải là tâm bão mà lại bị “quất đau” đến vậy.

Mấy năm, chỉ có nước dâng lên, thì cứ bám đất, theo kiểu của Đức Thánh Tản xưa, nước lên thì chạy lên cao, nước rút lại gom góp phía dưới nước để sinh tồn. Bất thình lình, lũ quét về, như một lưỡi hái đầy nước, "liếm" một nhát, đi sạch cả mấy chục mái nhà. Mùa màng đã thất bát, càng thêm xơ xác. Bỗng chốc, trắng tay.

Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) còn lạ hơn nữa. Từ thị trấn Quy Đạt vào, những căn nhà xây san sát, khang trang đến mức ngỡ ngàng. Thế mà, qua một cây cầu, bỗng hai vách núi dựng đứng lên, và con đường co lại, cứ nhỏ dần, cả hai bên là núi, đường lầy đất và đá đổ ngổn ngang sau bão.

Y như hẻm Hoa Dung mà mấy đứa chúng tôi đùa nhau nếu là Tào Tháo thì cũng phải ngửa cổ than rằng, nếu ở đây có phục binh (mưa gió đến) thì chỉ còn nước chết với những khối đá tảng đè xuống.

Thượng Hóa nằm sau hẻm núi đó, vỏn vẹn 3 bản nhỏ với rải rác gần 200 hộ dân cư tồn tại từ bao đời nay. Đám trẻ nhỏ chạy ra đợi cứu trợ, ngước lên đánh vần những chữ in trên băng rôn, có em đọc rất nhanh: Tấm lòng vàng cứu trợ đồng bão vùng lũ… Chả câu nào đúng. Đó là khẩu hiệu na ná như nhau mà các em đã thuộc vẹt.

Cứ 10 người thì có đến 5-6 người có vấn đề về xương. Làm sao không vấn đề cho được, khi họ cứ chân đất leo núi, làm rẫy, gánh củi… những ngón chân tòe ra để bám đất và những trầy xước, rồi bệnh cước làm cho đến độ không còn hình dạng.

Người dân miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, mỗi năm đón vài cơn bão, nhỏ thì úng ngập hỏng mùa màng, lớn thì trắng tay mất nhà, có khi mất cả mạng. Trong trận lũ quét mới đây, người dân xã Hòa Hải, (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị tổn thất 5,2 tỷ đồng. Biển nước đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi.

Ghi chép từ vùng "rốn lũ": Sứ mệnh của người giữ đất ảnh 1Con đường dẫn vào bản Ón, xã Thượng Hóa

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Hòa Hải cho biết, dù xã chỉ cách Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê gần 10 kilômét, nhưng nơi đây dường như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong biển nước mênh mông, người dân chỉ biết cố thủ trên nóc nhà, ngậm ngùi nhìn dòng lũ “ngốn” sạch tài sản chắt chiu cả năm trời.

Nét mặt lo âu, chị Nguyễn Thị Minh, ở xóm 13, xã Hòa Hải sụt sùi: “Trận lũ vừa qua nhấn chìm nhà tui trong biển nước. Thóc gạo, sách  vở của con cái bị nước lũ cuốn đi hết. Giờ thì chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng!”

Chị Minh kể, trận lũ vừa qua đến quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Căn nhà nhỏ nơi chị đang ở lại nằm sâu ở cuối làng, được bao bọc xung quanh bởi những quả núi cao, gây ngập úng, tổn thất nghiêm trọng.

“Cũng may trước khi lũ từ thượng nguồn ập xuống, chồng tui đã kịp mang hai đứa con đi gửi trong làng, còn tui chỉ biết ngồi trên nóc nhà ôm nắm gạo, mà cầu trời đừng để lũ cuốn đi,” chị Minh nước mắt lưng tròng nói.

Cùng cảnh trắng tay sau 4 ngày “cơn đại hồng thủy” hoành hành, chị Phan Thị Cương, ở xóm 7, xã Hòa Hải, thở dài bảo ở cái khúc ruột nghèo xơ nghèo xác này, năm nào gia đình chị cũng phải “gánh” trên vai những trận lũ kinh hoàng.

“Cùng cực là rứa, nhưng làm răng ngăn được thiên tai. Bây chừ hết lũ, nhà cửa tan hoang nên vợ chồng tui cố bươn trải ngoài đồng, tìm con cua, con tép để sống qua ngày,” chị Cường ngậm ngùi.

Chia sẻ những mất mát mà người dân địa phương đã và đang phải gánh chịu, ông Phạm Hữu Nhân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Hải, cho biết xã nằm ở vùng cao giáp ranh với biên giới nước Lào, nhưng cũng là vùng trũng, được ví như một ốc đảo nhỏ giữa những quả núi cao. Bởi vậy, mỗi khi có bão lũ, toàn xã lại bị nước nhấn chìm.

“Từ nhiều năm nay, nghề chính của người dân địa phương là sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất thấp, chỉ đủ ăn. Do đó, trên toàn xã vẫn còn rất nhiều hộ gia đình khó khăn,” ông Nhân chia sẻ.

Cũng như người dân xã Hòa Hải, hàng trăm hộ gia đình đồng bào Rục, ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ sau cơn bão số 10 và 11 gây ra.

Tại bản Ón, xã Thượng Hóa nơi đoàn công tác của báo Vietnam+ tới thăm, mấy ngày nay nước đã rút, đoàn xe cứu trợ có thể vào “tiếp sức” cho đồng bào. Thế nhưng, những gì mà “những tấm lòng thiện nguyện” mang đến chỉ như “muối bỏ bể” trước cảnh tang hoang, mất mát của người dân vùng khốn khó này.

Đón chúng tôi tại nhà văn hóa bản Ón, hàng trăm người dân bần thần nhìn những vị khách lạ tới trao quà với dòng nước mắt. Họ khóc vì có được sự quan tâm- một niềm động viên tinh thần lớn hơn nhiều sự cứu trợ về vật chất.

Tâm sự về những mất mát trong cơn lũ vừa qua, bà Cao Thị Nhịn 58 tuổi, ở bản Ón nghẹn ngào: “Lũ đến cướp đi hết nhà cửa, thóc gạo rồi. Mấy ngày qua đói lắm. May có các cô, các chú từ thiện đến cho quà, nên nhà mình mới ấm được cái bụng.”

“Nhà mình cũng đói lắm. Lũ đến lấy đi nhà cửa rồi, bây chừ 3 mẹ con chỉ biết sống nhờ nhà của Ủy ban Nhân dân xã. Không biết làm răng nữa,” chị Cao Thị Duyên, ở bản Ón bần thần nói.

Khi được hỏi “bây giờ mất nhà, đói khổ vậy, chị có tính lên thành phố kiếm việc gì đó làm không?” chị Duyên lắc đầu đáp: “Mình ở nhà làm ruộng nuôi hai con thôi. Đi rồi, để ruộng vườn ai chăm. Bây chừ, mình chỉ mong có cái nhà chòi tránh lũ.”

Căn nhà chòi tránh lũ hầu như là ý nguyện của mọi hộ dân trong vùng rốn nước. Bà con đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và người dân xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) khi được hỏi đều ngậm ngùi: “Giá như có nhà chòi tránh lũ, gia đình sẽ không rơi vào cảnh trắng tay.”

Cái nghèo cái đói với họ như chẳng là vấn đề, thiên tai, lụt lội một năm ba năm bận cũng không phải là cái mà họ ngán sợ. Có cứu trợ thì tốt, chẳng có thì cũng vẫn no đói sinh tồn. Chẳng ai oán thán, cũng chẳng ai có một ý niệm là bỏ đất mà đi, dẫu chỉ cách đó vài cây số thôi, có thể nói là một thế giới khác.

Chúng tôi muốn kết thúc những ghi chép của mình bằng vài con số mang tính thống kê do chính quyền Thượng Hóa cung cấp: Sau bão số 11, 166 hộ gia đình bị ngập nước, 439 ngôi nhà tốc mái, 2 ngôi nhà bị sập, 3 con trâu-bò bị cuốn trôi. Tổng thiệt hại vật chất của xã lên đến 12 tỷ 153 triệu đồng...

Những con số xướng lên vô hồn, như nó chẳng hề liên quan đến người thống kê. Nó là của những người dân ở phía bên này hẻm núi. Còn bên kia, nhà cửa vẫn khang trang, ủy ban vẫn uy nghi, bàn ghế tiện nghi, sân vườn mướt mát và người cán bộ giày bóng loáng chẳng có một hạt bụi, đút tay túi quần ngồi uống nước trà, bàng quan nhìn các đoàn cứu trợ từ khắp nơi đến chia sẻ với đồng bào nơi đây.

Có cái gì đó chua xót và nghịch cảnh.

Căn nhà chòi tránh lũ cho vùng rốn nước liệu có phải quá khó để thực hiện? Còn kế sách nào nữa để giúp những người dân trong vùng rốn lũ tiếp tục gắn bó với làng quê, chủ động chống chọi với thiên tai để giữ ruộng đồng và núi rừng cho quê hương, đất nước?

Câu hỏi này xin được gửi đến chính quyền địa phương, bởi thiết nghĩ, nếu như người dân coi việc bám đất bám làng là sứ mệnh thiêng liêng thì những người cán bộ cần đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là an sinh, là làm mọi cách để cùng dân chống chọi với thiên tai, xây dựng cuộc sống ổn định trên một sự bất ổn của thời tiết đã thành quy luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục