Ghi nhận sự chuyển mình của Việt Nam trong mời gọi đầu tư nước ngoài

Với tư cách một người con xa quê, chị Ann Huỳnh đã chia sẻ những cảm nhận rất sâu sắc về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt là kể từ khi thực hiện cải cách mở cửa.
Ghi nhận sự chuyển mình của Việt Nam trong mời gọi đầu tư nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN tại Washington D.C đã có cuộc trao đổi với chị Ann Huỳnh, Chủ tịch Công ty đầu tư 3SI Inc có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ.

Với tư cách một người con xa quê, chị Ann Huỳnh đã chia sẻ những cảm nhận rất sâu sắc về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt là kể từ khi thực hiện cải cách mở cửa.

Từ góc độ là một nhà đầu tư cũng như tư vấn về hợp tác thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, chị Ann Huỳnh nhận thấy rằng trong những năm qua, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ và đất nước Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa rất sâu rộng để nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư, mua bán, trao đổi với Việt Nam. 

Thứ hai là cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có sự kết nối tốt hơn. Trong vòng 5-7 năm trở lại đây, chị Ann Huỳnh đã có nhiều dịp về Việt Nam và rất ngạc nhiên khi thấy cơ sở hạ tầng đã có sự phát triển vượt bậc một cách rõ rệt. Thứ ba là thủ tục hành chính có phần minh bạch hơn rất nhiều.

Ví dụ như với công ty của chị Ann Huỳnh đang hỗ trợ các doanh nghiệp ở Mỹ mua hàng từ Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, thì ban lãnh đạo công ty đánh giá rằng thủ tục hải quan, quy trình thông quan của Việt Nam đã thuận lợi và được đẩy nhanh hơn. Tất cả các hoạt động để hỗ trợ cho sự thông thương giữa 2 nước đã tốt hơn nhiều và đặc biệt là rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã về Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Theo chị Ann Huỳnh, hiện nay xu hướng chung là các nhà đầu tư Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ và Canada, muốn tìm đến các thị trường mới nổi và đặc biệt là Việt Nam với mong muốn thiết lập các nhà máy, các lĩnh vực mà họ quan tâm như công nghệ cao, mà Việt Nam khá có tiềm năng về nhân công. Cụ thể như trong lĩnh vực sản xuất xe điện 2 bánh, xe điện 3 bánh, xe hơi.

Tuy nhiên, họ muốn tìm hiểu về chính sách ưu đãi, các định hướng, cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc, cũng như các ưu tiên của chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập hệ thống hạ tầng đồng bộ cho việc phát triển xe điện ở trong thị trường. Khi đó các doanh nghiệp nước ngoài mới cảm thấy thoải mái để thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Về hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, qua thời gian theo dõi mối quan hệ giữa hai nước, chị Ann Huỳnh nhận thấy các lĩnh vực hợp tác song phương đã được trải rộng. Tất cả các lĩnh vực hợp tác hiện nay, từ quốc phòng, an ninh, kinh tế, công thương, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh... đều có sự phát triển.

Thông tin về Việt Nam đã phong phú, chính xác hơn rất nhiều. Đơn giản nhất là khi nhìn vào trang facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho thấy họ đã đưa lên rất nhiều thông tin về một đất nước Việt Nam hiện đại. Điều đó cho thấy có sự mở rộng về tiếng nói cũng như hoạt động cung cấp thông tin về Việt Nam đã phong phú hơn rất nhiều.

[Thu hút vốn FDI của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ]

Trên nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến của Mỹ là Netflix cũng vừa trình chiếu bộ phim quảng bá về các địa điểm tại Việt Nam, gây được tiếng vang lớn. Đó cũng là những kênh thông tin để giúp cho nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam và từ đó yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Ghi nhận sự chuyển mình của Việt Nam trong mời gọi đầu tư nước ngoài ảnh 2Những chiếc VF e34 của VinFast.(Nguồn: Vietnam+)

Về những điểm còn tồn tại, chị Ann Huỳnh cho rằng tất nhiên là Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết như tình trạng ách tắc giao thông ở các đô thị hay vấn đề ô nhiễm môi trường mà chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn cố gắng cải thiện. Các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp phải một số khó khăn, thách thức khi họ vào Việt Nam, như sự thiếu nhất quán trong chính sách, hoặc khi chính sách thay đổi mà không có sự hồi tố cho những chính sách trước đây. 

Thứ hai là liên quan đến việc cấp giấy phép, mặc dù đã có sự cải cách, loại bỏ một số giấy phép con, nhưng thực sự vẫn còn một số vướng mắc. Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, việc cấp phép vận hành thuộc thẩm quyền của trung ương chứ chưa chuyển giao cho địa phương.

Như vậy sẽ làm cho thời gian lâu hơn, mà tất cả mọi thủ tục cũng dài và phức tạp hơn. Hy vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách một cách nhanh và gọn hơn nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam, nếu không sẽ lỡ mất cơ hội của doanh nghiệp.

Từ góc độ là các nhà đầu tư nước ngoài, chị Ann Huỳnh đánh giá rất cao sự cầu thị, cũng như nỗ lực cải tiến của chính phủ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục