Giá cả thị trường chịu nhiều tác động bất lợi

Dù đã qua Tết, giá cả tháng 3 sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi, việc tăng giá xăng, điện và các mặt hàng nói chung sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,4%.
Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiến cho biết dù tháng 3 không phải tháng Tết nhưng tình hình giá cả sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi.

Việc tăng giá xăng ngày 21/3 sẽ tác động vào CPI khoảng 0,01%, tăng giá điện từ 1/3 sẽ tác động vào CPI 0,16%, ngoài ra tác động của giá sữa, giá thức ăn chăn nuôi...

Tính chung, các mặt hàng ảnh hưởng tăng CPI khoảng 0,4%. Đó là chưa tính tới giá một số loại hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng nhẹ, giá hàng hóa, dịch vụ Tết hiện nay vẫn ở mức cao trong kỳ tính chỉ số giá; tác động điều chỉnh tỷ giá USD/VND đối với hàng nhập khẩu.

Theo ông Hiến, do tháng 2 là tháng “gánh” trọn dịp Tết Nguyên đán, thị trường diễn ra khá sôi động, giá cả hàng hóa Tết tuy có tăng nhưng không có sự đột biến mà được điều chỉnh tăng dần từ khoảng hơn 1 tháng trước Tết.

Sự tăng giá này ngoài nguyên nhân do nhu cầu hàng hóa tăng mạnh vào dịp Tết còn do tác động của các chi phí sản xuất lưu thông tăng cao hơn.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng rau, củ, quả do thông tin về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm nên người dân có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm trong nước, vì vậy đã đẩy giá các mặt hàng này tăng cao hơn vào dịp Tết với mức tăng 20-50% so với trước Tết.

Vì thế, về chính sách thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng phải tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh; quan trọng là phải kiểm tra, kiểm soát được giá cả, nhất là các mặt hàng trong diện bình quản lý giá trên thị trường.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… còn khả  thi, còn tại các chợ thì vẫn trong tình trạng “vô phương kiểm soát” bởi lực lượng quản lý thị trường quá mỏng.

Không những thế, các lực lượng chức năng phải khẩn trương chủ động rà soát cân đối cung-cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, ximăng, sắt thép; chủ động, kịp thời can thiệp để bảo đảm không xảy ra tình trọng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Riêng đối với chính sách giá, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những giải pháp quan trọng, trong đó tập trung vào việc thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, tránh hiện tượng neo giá để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới hoặc "đông giá" tại thị trường trong nước quá thấp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả với việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá. Hơn nữa, kiểm tra chặt chẽ các phương án giá, mức giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá những hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách./.

Uyên Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục