Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường

Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường trong bối cảnh giới đầu tư nghi ngờ về kế hoạch cứu trợ Eurozone của các nước EU.
Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường Mỹ và châu Âu phiên 11/5 và thị trường châu Á phiên 12/5, trong bối cảnh giới đầu tư nghi ngờ về khả năng gói cứu trợ khổng lồ trị giá tới 1.000 tỷ USD của EU có thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone.

Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại tình trạng lạm phát ở Trung Quốc có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Phiên 11/5, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2010 tại thị trường New York giảm 43 xu xuống 76,37 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tại London nhích 37 xu lên 80,49 USD/thùng.

Đến chiều 12/5 tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, những nghi ngờ về kế hoạch cứu trợ Eurozone cùng với việc tâm lý thị trường xấu đi sau báo cáo hàng tuần của Viện Xăng dầu Mỹ cho biết dự trữ dầu thô tại Cushing ở Oklahoma, đang đứng ở mức cao đẩy giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2010 giảm 63 xu xuống 75,74 USD/thùng, và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 19 xu xuống 80,30 USD/thùng.

Kế hoạch giải cứu Eurozone khỏi núi nợ hiện nay đã đẩy các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lên điểm mạnh, và giới đầu tư tin rằng những vấn đề nợ chủ quyền của Hy Lạp và bóng ma khủng hoảng đang đe dọa các nước Eurozone khác có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, giới đầu tư trên các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu trong phiên 11/5 khi không còn lạc quan về chương trình cứu trợ này.

Nhà phân tích độc lập Ellis Eckland lưu ý thị trường dầu mỏ gần như diễn biến theo các thị trường chứng khoán.

Ông Phil Flynn thuộc PFGBEST chỉ ra rằng giới đầu cơ dầu mỏ chắc chắn rất thất vọng khi thấy giá dầu tại NewYork không thể lên mức 80 USD/thùng mặc dù EU đã đạt được nhất trí về quỹ chống khủng hoảng.

Theo ông, nếu nỗi lo về cuộc khủng hoảng không dịu bớt và giới đầu tư không có lòng tin vào đồng USD, giá dầu sẽ khó có thể đạt được mức này.

Còn ông Ken Hasegawa, nhà quản lý bộ phận năng lượng thuộc công ty môi giới Newedge Japan, cho rằng giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent sẽ tiếp tục được hỗ trợ ở mức 75 USD/thùng trong ngắn hạn, nhưng do nỗi lo về khủng hoảng ở châu Âu, xu hướng đi lên sẽ bị hạn chế.

Thêm vào những lo ngại trên thị trường là tình trạng lạm phát ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Các số liệu chính thức công bố ngày 11/5 cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 4/2010 đã tăng 2,8% so với 1 năm trước, gây sức ép buộc Bắc Kinh phải tăng lãi suất.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm nay ở mức 1,1%, tức tăng 0,9 triệu thùng lên 85,4 triệu thùng/ngày, đồng thời lưu ý những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục