Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 3/6

Vào lúc 13 giờ 40 giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ lên 116,94 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ lên 117,79 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều 3/6 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 3/6, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên khi thị trường lờ đi quyết định tăng sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ. 

Vào lúc 13 giờ 40 giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ lên 116,94 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ lên 117,79 USD/thùng.

Theo các chuyên gia, thị trường đang đặt câu hỏi liệu đà tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, có đủ để bù đắp nguồn cung sụt giảm của Nga và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc sau khi nới lỏng chính sách hạn chế do dịch COVID-19 hay không.

Tối 2/6 (theo giờ Việt Nam), OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Cụ thể, OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng Bảy và Tám. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.

Các nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu ANZ Research thuộc ngân hàng ANZ của Australia ước tính sản lượng dầu của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Mức giảm có khả năng cao hơn nữa khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu Nga có hiệu lực.

[Giá dầu tăng 1% dù OPEC+ nhất trí nâng sản lượng cao hơn dự kiến]

Theo ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), các nhà giao dịch cho rằng mức tăng sản lượng của OPEC+ vẫn quá thấp so với rủi ro nguồn cung ngày càng giảm do lệnh cấm vận của EU trong khi nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến gia tăng.

Các nhà phân tích từ Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại là nhân tố tích cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, song nước này vẫn theo đuổi chính sách “không COVID” nên khả năng phong tỏa trở lại có thể nhanh chóng làm xói mòn tác động tích cực này.

Mặc dù giá dầu Brent đang trên đà hướng đến một tuần giảm giá, song giá dầu WTI vẫn đang trên đà hướng đến tuần tăng thứ sáu khi nguồn cung từ Mỹ được đánh giá là eo hẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục