Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 30/1, giá dầu thế giới đi xuống khi có thông tin mới cho hay hoạt động khai thác dầu mỏ tại Mỹ tiếp tục tăng, khiến nhiều người lo ngại rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể không giúp giảm nguồn cung dầu toàn cầu như mong đợi.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba tới giảm 54 xu, xuống 52,63 USD/thùng.
Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 29 xu Mỹ, xuống còn 55,23 USD/thùng.
Báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay số giàn khoan đang hoạt động tại nước Mỹ trong tuần trước đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2015, do giá dầu ổn định ở mức trên 50 USD/thùng khuyến khích các nhà sản xuất đẩy mạnh khai thác.
Thông tin này "dội một gáo nước lạnh" vào nỗ lực hạn chế nguồn cung dầu của các nước trong và ngoài OPEC.
Theo thỏa thuận đạt được hồi cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2016, các nước trong và ngoài OPEC cam kết cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay và các bên tham gia thỏa thuận đã thể hiện trách nhiệm của họ khi cắt giảm 900.000 thùng/ngày tổng cộng trong tháng Một này.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ tiếp tục gia tăng đã khiến Carl Larry, Giám đốc phát triển kinh doanh dầu khí của Công ty Frost & Sullivan - dự báo rằng giá dầu sẽ chỉ quanh quẩn ở mức trên 50 USD/thùng và khó có thể bật cao hơn mức đó.
Ngoài ra, sự thiếu ổn định trong các chính sách của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tác động lên thị trường toàn cầu, tạo sức ép giảm lên giá "vàng đen."
Thậm chí, các chuyên gia phân tích của J.P. Morgan còn nhận định rằng khả năng giá dầu vượt mức 60 USD/thùng trong năm 2018 là khó có thể xảy ra./.