Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong phiên 2/3

Giá dầu đã khởi sắc mạnh mẽ, trong đó giá dầu Brent đã tăng hơn 15% chỉ tính riêng tuần này, khi phương Tây đáp trả cuộc tấn công của Nga tại Ukraine bằng một loạt các lệnh trừng phạt.
Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong phiên 2/3 ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Montpellier, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng mạnh vượt ngưỡng 110 USD/thùng trong phiên 2/3 trước những đồn đoán rằng thị trường dầu vẫn sẽ thiếu nguồn cung trong vài tháng tới sau các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc nhiều công ty lớn rút khỏi lĩnh vực dầu của nước này.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 7,96 USD, hay 7,6%, lên 112,93 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong phiên là 113,94 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ghi nhận mức cao nhất trong phiên là 112,51 USD/thùng, trước khi đóng phiên ở mức 110,60 USD/thùng, tăng 7,19 USD, hay 7%.

Đây là mức đóng phiên cao nhất kể từ tháng 6/2014 của dầu Brent và từ tháng 5/2011 đối với dầu WTI.

Giá dầu đã khởi sắc mạnh mẽ, trong đó giá dầu Brent đã tăng hơn 15% chỉ tính riêng tuần này, khi phương Tây đáp trả cuộc tấn công của Nga tại Ukraine bằng một loạt các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và giao dịch tài chính, nhằm tác động đến nền kinh tế nước này.

Dù các lệnh trừng phạt chưa nhắm trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng, nhưng chúng đã hạn chế khả năng xuất khẩu từ Nga, trong khi lượng dầu xuất khẩu của nước này chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu, tức 4-6 triệu thùng/ngày, nhiều hơn bất kỳ nước nào trừ Saudi Arabia.

[Giá dầu tăng cản trở sự phục hồi của ngành hàng không]

Giải pháp gia tăng nguồn cung là điều không thể trong ngắn hạn. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày tài cuộc họp ngày 2/3.

Nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới đã gần chạm các mức trước đại dịch, trong khi nguồn cung thiếu hụt, khiến nhiều nước lớn phải dùng đến kho dự trữ chiến lược để xoa dịu tình hình trước mắt. Nhưng việc các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược đã không thể trấn an thị trường, và giá dầu vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng.

Trong một động thái như “đổ thêm dầu vào lửa”, Nhà Trắng ngày 2/3 cho biết đang cân nhắc  khả năng trừng phạt ngành dầu khí của Nga. Điều này có thể đẩy giá tiếp tục tăng cao hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục