Giá hàng thiết yếu lên mạnh "đẩy” CPI tăng 1,36%

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1 đã tăng 1,36% so với tháng trước, do giá hầu hết nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung đều tăng mạnh.
Đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1 đã tăng 1,36% so với tháng 12/2009, tăng 7,62% so với tháng 1/2009.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,27 - 2,24%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11%.

Bật lên dẫn đầu tăng mạnh nhất là nhóm nhóm hàng hóa và dịch vụ khác với mức tăng 2,24%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,11%; trong đó lương thực tăng tới 4,41%, thực phẩm tăng 1,65%.

Các nhóm hàng hoá tăng mạnh tiếp theo là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,66%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,14%. Tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục với mức tăng 0,27%.

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sự tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần đã tạo lực đẩy CPI tháng 1 lên mức cao.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá cả thiết yếu nhiều mặt hàng phục vụ Tết đang tiếp tục biến động do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh: gà ta làm sẵn đã tăng từ 110.000 đồng/kg lên 115.000 đồng/kg.

Nếp cái hoa vàng tăng từ 18.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Tôm sú loại 1 tăng từ 220.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Đậu xanh đã tăng từ 35.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. Măng miến, mộc nhĩ, nấm hương đều đã tăng giá từ 10-20%.

Các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu, bia rượu, dầu ăn, sữa đều đồng loạt tăng giá mặc dù tỷ giá ngoại tệ trên thị trường khá ổn định. Đặc biệt, giá cả nhiều loại dịch vụ ăn theo tết như dịch vụ dọn nhà, dịch vụ cho thuê xe tự lái, cắt tóc gội đầu, dọn nhà cửa… cũng tăng mạnh do nhu cầu cao.

Bên cạnh đó, việc xăng dầu đồng loạt tăng giá 450 đồng/lít kể từ ngày 14/1 cũng là một yếu tố đóng góp vào việc đẩy CPI tăng lên, nhất là vào thời điểm sát Tết khi mà nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng mạnh.

Cùng với lương thực, thực phẩm, các mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt thép, ximăng đang trong đà tăng giá bởi nhu cầu đáp ứng cho việc khởi công và triển khai xây dựng của rất nhiều dự án bất động sản lớn tại các thành phố lớn trong cả nước.

Ngoài ra, việc nhiều đơn vị và doanh nghiệp trong cả nước công bố tiền thưởng Tết Canh Dần cao hơn Tết Kỷ Sửu khá nhiều cũng là yếu tố tâm lý để một số doanh nghiệp tự ý nâng giá các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ phó Vụ Thương mại Giá cả, Tổng cục Thống kê, mặc dù các tỉnh thành trong cả nước đã có chính sách trợ giá cho một số doanh nghiệp tích trữ hàng từ hơn một tháng nay nhằm bình ổn thị trường nhưng theo quy luật tiêu dùng “nóng” cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như xa xỉ phục vụ tiêu dùng Tết Canh Dần 2010 sẽ tiếp tục biến động mạnh.

Dự kiến mức tăng giá tiêu dùng tháng 2 sẽ ở mức từ 2-2,5%.

Chính vì vậy, để bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng nhái hàng giả và xử phạt các hành vi “găm hàng” tạo cơ sốt giá ảo… cần được các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ.

Còn đại diện Bộ Tài chính khẳng định, triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường, các ngành chức năng thực hiện quản lý giá.

Hiện 25 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạm ứng vốn không phải trả lãi suất với số tiền 949 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp chủ chốt để dự trữ hàng hóa sẽ góp phần bình ổn thị trường. Vì vậy, dự báo mức tăng giá tiêu dùng tháng 2 sẽ vào khoảng 2%.

Tháng 1, trong khi hầu hết các mặt hàng rủ nhau tăng giá thì cả vàng và USD đều có một tháng hiếm hoi giảm giá. Giá vàng đã giảm 2,94% so với tháng 12/2009; tuy nhiên vẫn tăng 53,89% so với tháng 1/2009. Giá USD giảm 0,11% so với tháng 12/2009 và tăng 8,96% so với tháng 1/2009./.

Uyên Hương-KA (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục