Gia Lai: Cuộc sống mới trên vùng căn cứ cách mạng KBang

Đến với căn cứ cách mạng KBang, Gia Lai, hôm nay, điều dễ thấy là sự đổi thay to lớn của vùng đất này với những ngôi nhà mái ngói đỏ san sát, chập chùng cả một vùng bên những con đường khang trang.
Toàn cảnh trung tâm huyện KBang. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Toàn cảnh trung tâm huyện KBang. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Đến với vùng căn cứ cách mạng KBang, tỉnh Gia Lai, hôm nay, điều dễ thấy là sự đổi thay to lớn của vùng đất này với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi san sát, chập chùng cả một vùng bên những con đường khang trang, thông thoáng.

Cả thời chiến lẫn thời bình, quân, dân và hệ thống chính quyền huyện KBang luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương anh hùng Núp thêm giàu đẹp.

Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Gia Lai, Kbang có diện tích tự nhiên hơn 184.000ha với 13 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Dân tộc Bahnar chiếm gần 40% trong tổng số 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn.

Những năm qua, huyện Kbang được Trung ương, tỉnh Gia Lai quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ đến tận vùng khó khăn nhất của địa phương.

Điển hình như ốc đảo Kon Pne, vốn trước đây nằm tách biệt với bên ngoài do trở ngại về giao thông thì nay hầu hết các buôn làng trong xã đều có điện lưới quốc gia, hệ thống mạng Internet, đường giao thông dài 100km đã hoàn thành kết nối thông suốt với trung tâm huyện KBang.

Ngoài ra, các thôn, làng khác trên địa bàn cũng đều có đường bêtông nông thôn kiên cố nối liền đến khu sản xuất; bộ mặt trung tâm các cụm xã ngày càng khang trang, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đặc biệt, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện KBang đạt gần 2.800 tỷ đồng. Nhờ đó kết cấu hạ tầng giao thông, điện, đô thị, thương mại-dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin-truyền thông, môi trường… được cải tạo và nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Song song với việc tập trung xây dựng hạ tầng, huyện KBang chọn hướng đi chủ lực cho địa phương là phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp kết hợp với du lịch.

[Gia Lai: Huyện Đak Đoa thống nhất phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu]

Hiện nay, địa phương đang dồn lực mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình thực hành nông nghiệp GAP, VietGAP, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm phát triển bền vững các loại cây ăn quả; quảng bá, phát triển thương hiệu...

Năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả của địa phương đạt trên 1.100ha, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước; nhiều vườn cây ăn quả cho thu nhập cao trở thành vùng chuyên canh được nhiều người biết đến.

Nhận xét về sự đổi thay, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kbang chia sẻ thời gian qua, huyện KBang được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi… nên rất thuận lợi trong việc chuyển đổi sản xuất cây lúa rẫy sang chuyên canh cây lúa nước và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây ăn trái, cây dược liệu… Qua đó, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập trong cộng đồng dân cư, từng bước đưa huyện vùng khó thay đổi từng ngày.

Cùng với đó, huyện KBang triển khai nhiều mô hình kinh tế; trong đó, chú trọng chương trình phát triển, khôi phục cây dược liệu như sa nhân tím, sâm đá, mật nhân, sâm dây, nấm lim xanh… với khoảng 300ha và thời gian tới sẽ tập trung xây dựng thành vùng nguyên liệu dược liệu cung cấp cho nhiều địa phương khác.

Trước xu thế hội nhập và phát triển, nông dân trên địa bàn huyện KBang cũng đã thành lập nhiều tổ nhóm, hợp tác xã nhằm hướng tới mục tiêu liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điển hình như nông hội dâu, tằm tơ và rau, quả Sông Ba thu hút trên 80 hộ dân trên địa bàn 2 xã Đak Hlơ và Kông Pla tham gia; Nông hội nuôi bò do 84 thành viên hợp sức thành lập tại xã Đông…

Anh Dương Thành Long, một hộ nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo tại thôn 3, xã Đăk HLơ cho biết trước đây gia đình anh trồng mía, nhưng gần đây giá mía bấp bênh nên mạnh dạn mua cặp bò giống sinh sản để cải thiện thêm thu nhập. Qua mô hình nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo, anh Long nhận thấy bò khỏe, dễ chăm sóc, sinh sản tốt mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn cho gia đình.

Theo Chủ nhiệm Nông hội dâu, tằm tơ và rau quả Sông Ba Lê Thanh Toại, những năm qua, người dân đã tự tìm hiểu chuyển đổi các diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dâu nuôi tằm, rau màu để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Gia Lai: Cuộc sống mới trên vùng căn cứ cách mạng KBang ảnh 1Mô hình trồng cây ăn quả ở xã Krong, huyện KBang. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Để hỗ trợ nhau, chúng tôi thành lập Nông hội nhằm khắc phục những hạn chế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả các mô hình, phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ. Đến nay, các hội viên đã trồng được 75ha cây ăn quả, dâu tằm và thời gian tới một số vùng lập kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn từ phòng Nông nghiệp huyện.

Tại xã vùng khó Tơ Tung, ngoài việc cải tạo đồng ruộng, đổi mới mô hình chăn nuôi, sản xuất, trong năm 2019, sản phẩm măng le sấy khô của Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và Dịch vụ Tơ Tung được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và nông dân đang tiếp tục được hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm. Hay mô hình trồng cỏ nuôi bò bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tơ Tung Trần Thị Thơ cho biết sau nhiều năm trồng mía cho thu nhập không ổn định, địa phương đã vận động, khuyến cáo nông dân liên kết cùng công ty Cổ phần Diên Hồng Gia Lai tham gia trồng cỏ (giống VA06) để cung cấp thức ăn chăn nuôi cho đàn bò của công ty. Qua đó, địa phương đã liên kết, đăng ký chuyển đổi được 30ha để trồng cỏ và hiện khai thác được khoảng 10ha. Qua thực tế cho thấy, việc trồng, chăm sóc giống cỏ này khá đơn giản, thu nhập hiệu quả hơn so với cây mía và cây mì.

Nỗ lực phát triển toàn diện và bền vững nền kinh tế, từ năm 2016 đến nay, huyện Kbang đã kêu gọi, thu hút được 16 dự án đầu tư trên địa bàn; trong đó, các dự án có quy mô lớn đã được triển khai như dự án trồng 200ha cây mắc ca, với tổng kinh phí 25 tỷ đồng; dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã Sơ Pai, Lơ Ku, Đak Smar, với tổng kinh phí 215 tỷ đồng (đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư); dự án khu sinh thái nghĩ dưỡng Kon Bông, kết hợp nuôi cá Tầm tại xã Đak Rong với tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng…

Phát huy thế mạnh về tài nguyên, thổ nhưỡng, thời gian qua vùng căn cứ cách mạng Kbang luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đây cũng là động lực, cơ hội để huyện nghèo Kbang sớm vươn lên hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho rằng các cấp chính quyền huyện Kbang cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch về nông-lâm nghiệp-thủy sản; tập trung ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; quan tâm phát triển công nghiệp chế biến gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, du lịch; đầu tư nâng cấp thị trấn KBang đủ điều kiện đạt tiêu chí đô thị loại IV trong 5 năm tới.

Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, phát huy tối đa nội lực để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới; phấn đấu đạt được các tiêu chí nâng cao, đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục