Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng Ba vừa qua đã tăng ở mức cao nhất trong hơn 12 năm khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát liên tục leo thang, có thể buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/4 cho thấy trong tháng Ba vừa qua, PPI cho nhu cầu cuối cùng - đo lường những thay đổi về giá do các nhà sản xuất trong nước tính cho các nhà cung cấp và nhà bán lẻ, tăng 1,4%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2009, sau khi tăng 0,9% trong tháng Hai năm nay.
PPI tháng Ba của Mỹ tăng cao chủ yếu do giá năng lượng tăng 5,7%, chiếm một nửa mức tăng chung. Giá hàng hóa tăng 2,3%, bằng mức tăng trong tháng trước đó, trong khi giá thực phẩm tăng 2,4%. Giá dịch vụ tăng 0,9% sau khi tăng 0,3% trong tháng Hai năm nay.
[Nước Mỹ đau đầu với lạm phát và giá cả thực phẩm tăng vọt]
Cũng theo báo cáo trên, trong 12 tháng tính đến tháng Ba vừa qua, PPI của Mỹ tăng 11,2% - mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ tháng 11/2010. Mức tăng PPI hằng năm trong tháng Hai vừa qua là 10,3%.
Trước đó một ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng Ba vừa qua, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại Mỹ.
Đây được xem là bản báo cáo đầu tiên cho thấy tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% trong tháng Ba vừa qua, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của CPI.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Ben Ayers thuộc công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide cho rằng tháng Ba vừa qua có thể là tháng đỉnh điểm về lạm phát hằng năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, do lạm phát tăng mạnh, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới và sớm bắt đầu cắt giảm các chương trình mua tài sản./.